Báo cáo tài chính quý II của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho thấy sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận, thậm chí có doanh nghiệp còn thua lỗ, chủ yếu do mảng kinh doanh chính.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, 8 trên 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ top đầu đều có lãi sau thuế đi lùi so với cùng kỳ. Đây là năm thứ hai liên tiếp ngành bảo hiểm nhân thọ sụt giảm lợi nhuận, kể từ sau cuộc khủng hoảng niềm tin vào đầu 2023.
Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam vừa công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ 2024 với các chỉ tiêu doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 6.859 tỉ đồng, giảm khoảng 700 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế hơn 581 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ (hơn 1.100 tỉ đồng).
Một doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài khác là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam công bố doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2024 giảm gần 300 tỉ đồng so với cùng kỳ, khi đạt 1.472 tỉ đồng. Do đó lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này cũng giảm sâu còn 116,7 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 449,8 tỉ đồng.
Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam vừa công bố Báo cáo tài chính bán niên 2024, ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 1.092 tỷ đồng, giảm 31,79% so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm 509 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm là do doanh thu phí bảo hiểm gốc của Prudential trong nửa đầu năm chỉ đạt 11.143 tỷ đồng, giảm 13,22% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, lợi nhuận tài chính tăng tốt, thu lãi gần 6.200 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài khác là Công ty Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam ghi nhận doanh thu 1.960 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm nay, giảm 22,5% so với năm 2023. Tuy nhiên, FWD Việt Nam ghi nhận nguồn doanh thu từ hoạt động tài chính lên đến 423 tỷ đồng. Danh mục đầu tư của FWD gồm trái phiếu chính phủ đầu tư dài hạn, trái phiếu doanh nghiệp đầu tư dài hạn, đầu tư trái phiếu ngắn hạn. Kết quả sau cùng, FWD Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngay cả "ông lớn" trong ngành là Công ty Manulife cũng công bố doanh thu thuần mảng kinh doanh bảo hiểm trong nửa đầu năm 2024 chỉ đạt hơn 8.433 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Trái ngược, doanh thu từ hoạt động tài chính lại nhảy vọt lên hơn 3.900 tỷ đồng, tăng trên 53% so với cùng kỳ năm trước. Trừ chi phí, doanh nghiệp còn lại lãi ròng sau thuế gần 1.700 tỷ đồng, giảm 13%.
Trong khi đó, hãng bảo hiểm nhân thọ SunLife vừa có báo tài chính giữa niên độ với doanh thu thuần từ mảng chính bảo hiểm đạt gần 1.700 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, công ty này lỗ ròng hơn 360 tỷ đồng.
Trong bối cảnh doanh số giảm, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư không còn dễ bán như trước, các hãng đều siết khoản chi hoa hồng và thưởng đại lý, giảm 40- 50% so với trước.
Với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm trong quý II, một số ý kiến cho rằng bảo hiểm nhân thọ vẫn gặp thách thức chủ yếu ở mảng bancassurance.
Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ đầu 2023 và Thông tư 67 từ cuối năm ngoái đưa ra chính sách chặt chẽ hơn, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đồng thời, tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn. Các kỳ thi với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, khiến tỷ lệ đỗ xuống thấp. Mức hoa hồng chi trả cho đại lý trong năm đầu tiên với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư còn 30%, giảm 10% so với trước.
Huyền My (t/h)