Đoàn Việt Nam lên đường sang Mỹ, nhìn lại sự chuẩn bị ứng phó với thuế quan của Mỹ
Xuất Nhập Khẩu

Ngày 5/4, một đoàn gần 200 doanh nhân hàng đầu Việt Nam đã có mặt tại Mỹ trên chuyến chuyên cơ. Chuyến đi nhằm thúc đẩy hoạt động kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác, và đàm phán trong các lĩnh vực trọng yếu như tài chính, năng lượng, công nghệ và xuất nhập khẩu.

Lãnh đạo chính phủ và doanh nhân cùng lên đường

Đây được đánh giá là một trong những phái đoàn doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn nhất từ Việt Nam từng sang Mỹ trong một thời điểm then chốt. Chuyến bay khởi hành từ TP.HCM đã đưa gần 200 lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội ngành hàng và chuyên gia tư vấn quốc tế đến các điểm dừng tại Washington D.C và New York – những trung tâm kinh tế và chính trị hàng đầu thế giới.

Đây có thể xem là một động thái được xem là mang tính chiến lược giữa bối cảnh thương mại quốc tế đang đối mặt với nhiều biến động nhất là khi chính quyền Tổng thống Trump mới khởi động chính sách thuế đối ứng. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước chịu mức thuế cao đến 46%.

Có mặt trong chuyến đi, đại diện HDBank cho biết, mục tiêu chính của sự kiện là mở rộng hệ sinh thái hợp tác quốc tế trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc. Nhiều doanh nghiệp doanh nhân trong đoàn đã có sẵn đối tác tại Mỹ và coi chuyến đi lần này là cơ hội để nâng cấp quan hệ từ mua – bán đơn thuần sang hợp tác đầu tư và phát triển lâu dài.

Chuyến bay chở gần 200 doanh nghiệp Việt đã hạ cánh ở Mỹ, mở đầu chuỗi hoạt động kết nối, tìm hiểu cơ hội và thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư...

Theo các thông tin trước đó, ngày 6/4, đoàn công tác Việt Nam do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng lên đường sang Mỹ để đàm phán ở cấp chính phủ, đồng thời tạo hành lang thuận lợi cho khối doanh nghiệp đang tích cực tiếp cận thị trường.

Trong chuyến đi này, phía Việt Nam không chỉ tập trung vào các vấn đề thuế quan, đoàn doanh nghiệp Việt Nam còn mang theo các đề xuất hợp tác trong các lĩnh vực mới như tài chính số, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, và nông nghiệp công nghệ cao – những lĩnh vực được phía Mỹ đánh giá cao trong xu hướng phát triển bền vững.

Trong chuyến đi này, hãng hàng không VietJet cũng có kế hoạch ký thỏa thuận tài chính trị giá 200 triệu USD với đối tác của quỹ đầu tư KKR, nhằm hỗ trợ việc mua sắm máy bay Boeing. Thỏa thuận này sẽ được ký kết vào ngày 9/4 tại Washington. Đây là một phần trong nỗ lực củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược giữa VietJet và Boeing, đồng thời mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Mỹ.

Trước đó, vào ngày 2/4, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp mức thuế quan cơ bản 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời bổ sung mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam. Động thái này đã khiến cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lo ngại sâu sắc, trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, Việt Nam đã có những bước ứng phó kịp thời, phù hợp để hướng tới kết quả tốt nhất cho quan hệ thương mại 2 nước.

Đặc biệt, tối 4/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ Việt Nam – Mỹ.

Trong cuộc điện đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước để cụ thể hóa những cam kết trên.

Trong ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng có cuộc họp quan trọng với các bộ ngành trước việc Mỹ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang nước này. Đây là cuộc họp thứ 2 trong vòng ba ngày qua của lãnh đạo Chính phủ liên quan vấn đề này.

Thủ tướng khẳng định đây cũng là cơ hội để Việt Nam đổi mới và tái cấu trúc nền kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai các biện pháp giảm thuế, khuyến khích doanh nghiệp và tiêu dùng trong nước, đồng thời tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để cân bằng thương mại.

Tại cuộc họp, người đứng đầu Chính Phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan soạn thảo danh sách các mặt hàng trọng yếu cần đàm phán với Mỹ để đưa thuế suất trở về mức tối ưu, thậm chí về 0% đối với một số lĩnh vực chiến lược và đề nghị Mỹ áp mức thuế tương tự.

Sự chuận bị từ trước để không bị động

Thực tế, với việc dự đoán và bám sát tình hình, ngay từ trước đó, Việt Nam đã có nhiều bước chuẩn bị để ứng phó với Chính sách thuế quan của Mỹ.

Trước khi có quyết định áp thuế cao từ Mỹ, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều bước điều chỉnh nhằm tránh các tác động tiêu cực từ chính sách thương mại của Mỹ. Trong đó, Việt Nam đã thực hiện các cam kết về giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm của Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, ô tô và các sản phẩm nông sản.

Trong các cuộc đàm phán trước đây, Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường cho các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ như máy tính, điện tử và thiết bị viễn thông. Việc này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Mỹ mà còn tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Trưởng đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson L. Greer.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng đã có những điều chỉnh trong các chính sách thuế quan của mình, bao gồm việc giảm các mức thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng quan trọng từ Mỹ như khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) và ô tô.

Vào tháng 3/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với Trưởng đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer tại trụ sở Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Đây là cuộc làm việc chính thức đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Mỹ có chính quyền mới. Bộ trưởng Diên khẳng định Việt Nam luôn coi Mỹ là đối tác quan trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hai bên cũng đã thảo luận về các giải pháp để tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, đồng thời tháo gỡ các rào cản thương mại và gian lận xuất xứ.

Với sự quan sát của mình, ông Petri Deryng, Giám đốc quỹ đầu tư Phần Lan PYN Elite Fund cho rằng, Việt Nam đã làm mọi thứ có thể để chuẩn bị ứng phó với chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Theo quan sát của nhà đầu tư quốc tế kỳ cực cho thấy, vào tháng 3, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Bộ Thương mại Mỹ về các dự án năng lượng mới và trong số những thỏa thuận khác, có việc mua khí tự nhiên hóa lỏng. Ngoài ra, Việt Nam còn giảm thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm xuất khẩu đặc biệt quan trọng đối với Mỹ.

Trong khi đó, chuyên gia của Dragon Capital cho biết, Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của chính sách thuế quan. Trong đó, đáng chú ý là việc thúc đẩy các giao dịch kinh tế và ký kết trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực mà nước này có lợi thế cạnh tranh, bao gồm năng lượng, hàng không và nông nghiệp.

Một cập nhật của Dragon Capital cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị các thỏa thuận thương mại giữa hai nước đã đạt 90,3 tỷ USD. Vào ngày 13/3, Việt Nam tiếp tục ký kết thêm một thỏa thuận trị giá 4,15 tỷ USD, đồng thời đang đàm phán các hợp đồng khác với tổng giá trị 36 tỷ USD.

Những con số này cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc chủ động đàm phán với Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cũng thực hiện các chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Mỹ, bao gồm LNG, ô tô và một số sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài các biện pháp kinh tế, Việt Nam cũng sử dụng các đòn bẩy phi thương mại để hỗ trợ đàm phán. Chính phủ đã thể hiện sự linh hoạt trong chính sách ngoại hối, cho phép Starlink hoạt động tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các cơ quan kinh tế của Mỹ nhằm gia tăng thương mại song phương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ với các tập đoàn như NVIDIA và Qualcomm để thu hút đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Dù bối cảnh thương mại giữa hai nước đang có những rào cản ngắn hạn do các chính sách thuế mới ban hành từ phía Mỹ, một số đối tác Mỹ vẫn bày tỏ thiện chí hợp tác.

Theo Reuters, nhiều doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ và bán lẻ, đang cần tìm đối tác ổn định thay thế chuỗi cung ứng Trung Quốc, và Việt Nam là ứng viên sáng giá nhờ vị trí chiến lược và môi trường đầu tư cải thiện nhanh chóng.

Trước đó không lâu, một phái đoàn hơn 60 công ty lớn của Mỹ, bao gồm Apple, Boeing, General Electric và Intel, cũng đã đến Việt Nam để khảo sát cơ hội hợp tác, và làm việc với các doanh nghiệp Việt như Vingroup, FPT, Vietjet, Sovico, HDBank... với tổng giá trị hợp tác lên tới hàng chục tỷ USD. Một số thỏa thuận đã đi vào triển khai, cho thấy xu hướng tăng cường kết nối kinh tế song phương đang tiếp tục bất chấp các rào cản ngắn hạn.