Đến năm 2030, Thanh Hóa sẽ là khu vực động lực phát triển du lịch Việt Nam
Địa Phương

Định hướng đến năm 2030, Thanh Hóa và một số địa phương lân cận sẽ là một trong những khu vực động lực phát triển du lịch của Việt Nam.

Theo Quyết định số 509/QĐ- TTg, ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ trở thành 1 trong 6 khu vực động lực phát triển du lịch Việt Nam.

Đến năm 2030, Thanh Hóa sẽ là khu vực động lực phát triển du lịch Việt Nam- Ảnh 1.

Trong đó, quy hoạch đã xác định phát triển không gian du lịch Việt Nam đến năm 2045 gồm 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu vực du lịch quốc gia.

Theo đó, đến năm 2030, sẽ tập trung hình thành 6 khu vực động lực bao gồm: Khu vực động lực phát triển du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình. Khu vực động lực phát triển du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh. Khu vực động lực phát triển du lịch Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. 

Khu vực động lực phát triển du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Nịnh Thuận - Bình Thuận. Khu vực động lực phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu vực động lực phát triển du lịch Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau.

Đến năm 2030, Thanh Hóa sẽ là khu vực động lực phát triển du lịch Việt Nam- Ảnh 2.

Trong đó, Khu vực động lực phát triển du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh sẽ tạo sự hỗ trợ theo hướng kết hợp đa dạng sản phẩm du lịch gắn với sinh thái, di sản thế giới, văn hóa lịch sử, tín ngưỡng với du lịch biển, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng gắn với các dân tộc thiểu số vùng núi.

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ tài nguyên du lịch biển đảo, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, hệ thống di sản thế giới, các di tích văn hóa lịch sử; đó là Vùng Bắc Trung Bộ. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng. Du lịch "con đường di sản miền Trung"; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử và cách mạng; du lịch sinh thái hang động; du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc.

Theo quy hoạch, du lịch cả nước đến năm 2030, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.

Đến năm 2030, Thanh Hóa sẽ là khu vực động lực phát triển du lịch Việt Nam- Ảnh 3.

Theo đó, để thực hiện được mục tiêu, quy hoạch cũng dự kiến tổng nhu cầu đầu tư khoảng 3.600.000 tỷ đồng, tương đương 160 tỉ USD, theo tỷ giá hiện hành; trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 3%-5% (bao gồm cả ODA); nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân chiếm 95%-97% ( bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Đóng góp của du lịch trong GDP năm 2025 đóng góp trực tiếp 8-9% trong GDP; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 13-14% trong GDP và sẽ tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm trực tiếp.

Một số lĩnh vực được ưu tiên đầu tư, đó là: Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến quảng bá, phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch. Đồng thời phát triển sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia...

Sự tăng trưởng ngoạn mục của ngành du lịch Thanh Hóa trong năm 2023 - 2024, đã chứng minh cho niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ; cùng với đó, đã và đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của xứ Thanh.

Với tầm nhìn chiến lược cùng với quy hoạch và hướng đi đúng, sự đầu tư hợp lý và khai thác tốt những tiềm năng sẵn có, du lịch Thanh Hóa đã, đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Triều Nguyệt