Ý tưởng thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam hướng đến hiệu quả đa giá trị hơn, tạo cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Ngành hàng lúa gạo đóng vai quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đối với Việt Nam, lúa gạo ngoài việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, còn có vai trò bảo đảm an ninh lương thực cho khu vực và thế giới. Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội.
Ngành lúa gạo còn một số hạn chế như sản xuất chưa theo quy hoạch dẫn đến dư thừa cục bộ ảnh hưởng đến người sản xuất; thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp, đời sống của một số bộ phận còn khó khăn.
Xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, chưa đa dạng hóa thị trường gây ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, khó khăn trong quá trình giao dịch. Mặc dù đã có thương hiệu gạo nhưng chưa sử dụng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; chưa tạo được thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam trong lòng người tiêu dùng nước ngoài.
Do đó, chiều 6/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ trưởng Công Thương đã chủ trì cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Hội đồng này sẽ đóng vai trò như một diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân cùng nhau bàn bạc, thống nhất đưa ra những quyết sách quan trọng liên quan đến ngành lúa gạo tại những thời điểm và tình huống khác nhau; nâng cao được vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng.
Dự kiến, hội đồng sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường; thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện, hiệu quả góp phần đảm bảo anh sinh xã hội và an ninh lương thực quốc gia; phát triển sản xuất, xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền vững thông qua nghiên cứu, rà soát để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề xuất các Bộ, ngành ban hành việc bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách hiện hành; tổ chức khảo sát, nghiên cứu hệ thống sản xuất, kinh doanh ở trong nước và ngoài nước về ngành hàng lúa gạo
Bên cạnh đó, nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo.
Hội đồng cũng có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong quá trình phát triển ngành lúa gạo. Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo.
Thêm nữa, cho ý kiến về chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách v.v. liên quan đến ngành hàng lúa gạo thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thu thập thông tin, phân tích đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành hàng lúa gạo. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, ý tưởng thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam hướng đến hiệu quả đa giá trị hơn, tạo cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong điều phối các hoạt động sản xuất chung, kinh doanh, xuất khẩu cũng như đặt ra chiến lược giải quyết các vấn đề của ngành hàng này về lâu dài.
An Mai (t/h)