Để Việt Nam sớm có thêm “kỳ lân” trong lĩnh vực khởi nghiệp
Khởi Nghiệp

Sau thế hệ 8 “kỳ lân” Việt được định giá hơn 1 tỷ USD, Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ có thêm thế hệ tiếp theo định danh trên “bản đồ khu vực”.

Công ty đầu tư mạo hiểm Quest Ventures cho biết, hệ sinh thái công nghệ Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây. Tổng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2023 lên tới 529 triệu USD.

Tính đến năm 2024, Việt Nam có 8 kỳ lân, củng cố vị thế là một trong những hệ sinh thái công nghệ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Ảnh: Vneconomy

Hiện nay Việt Nam ước tính có gần 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 8 "kỳ lân" (những doanh nghiệp có mức định giá trên 1 tỷ USD), trở thành một trong những hệ sinh thái công nghệ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Những kỳ lân này bao gồm VNG, MoMo, VNLife, Sky Mavis, Axie Infinity, VNPay, Tiki và VNG Cloud. Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Việt Nam vẫn chưa xuất hiện thêm những “kỳ lân” mới trong lĩnh vực khởi nghiệp. Một điểm chung của các startup “kỳ lân” là sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mà các doanh nghiệp này tạo ra thường mang tính đột phá, có khả năng làm thay đổi sâu sắc những lĩnh vực kinh doanh mà chúng hoạt động, cũng như có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội.

Mặc dù trở thành “kỳ lân” là một trong những ưu tiên hàng đầu của các startup, tuy nhiên theo các chuyên gia, để đạt đến ngưỡng “kỳ lân” cũng đồng nghĩa là startup đã phát triển đến một quy mô và giá trị lớn, thu hút được nhiều vốn đầu tư và đã khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường trong nước và quốc tế, song điều này không phải là vấn đề đơn giản. Bởi, để trở thành startup “kỳ lân” với định giá doanh nghiệp trên 1 tỷ USD đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự phát triển mạnh mẽ, vượt lên chính mình để đạt được những thành quả vượt trội.

Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có không ít startup kế cận “kỳ lân”, trong đó những mô hình triển vọng gồm có Tiki, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Trusting Social, Kyber Network, KiotViet… Nhìn chung, các startup triển vọng nhất vừa nêu đều liên quan đến hệ sinh thái thương mại điện tử, fintech, logistics, blockchain, game online… Đây là những lĩnh vực sẽ ngày càng phát triển trong 2-3 năm tới và là “cái nôi” để các startup vươn mình trở thành các “kỳ lân” tiếp theo.

Để Việt Nam sớm có thêm nhiều “kỳ lân” trong lĩnh vực khởi nghiệp, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết là phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự thống nhất và đồng bộ trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam.

Để đổi mới sáng tạo thật sự “là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của các nước trong quá trình phát triển nhanh, bền vững; không để ai bị bỏ lại phía sau...” cũng như “quan điểm lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể và thực sự được hưởng thụ thành quả của đổi mới sáng tạo…” như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại sự kiện công bố Báo cáo GII 2024, chúng ta phải có những chiến lược đầu tư có chiều sâu cũng như cải tiến liên tục các hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để thúc đẩy, duy trì sự phát triển lành mạnh và bền vững.

Minh An (t/h)