Đầu tư vào khu công nghiệp tại TP.HCM giảm mạnh
Tài Chính - Đầu Tư

TPHCM tiếp tục tập trung nâng cao tỉ trọng thu hút nguồn vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, có hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố.

Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, tính chung 10 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 373,5 triệu USD, đạt 67,9% kế hoạch năm, giảm hơn 60,7% so với cùng kỳ.

Đầu tư vào khu công nghiệp tại TP.HCM giảm mạnh- Ảnh 1.

Về đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư thu hút đạt hơn 233,2 triệu USD, tăng hơn 25,4% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 14 dự án với vốn đầu tư đăng ký 15,3 triệu USD, giảm 75,5% so với cùng kỳ; 18 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 217,9 triệu USD (có 1 dự án tăng 158 triệu USD), tăng 76,6% so với cùng kỳ.

Đáng lưu ý, đối với đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút trong 10 tháng năm 2024 đạt 3.436 tỷ đồng (tương đương hơn 140 triệu USD, giảm gần 81,7% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 26 dự án với vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.828 tỷ đồng (tương đương 74,6 triệu USD), giảm tới hơn 89% so với cùng kỳ.

Về thu hút đầu tư 4 ngành công nghiệp trọng yếu và dịch vụ phục vụ công nghiệp, có 23/40 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 54,3 triệu USD, chiếm 60% tổng vốn đầu tư thu hút mới. Trong đó, dự án đầu tư nước ngoài có 9/14 dự án với vốn đầu tư 8,3 triệu USD, chiếm 54% vốn đầu tư nước ngoài thu hút mới; dự án trong nước có 14/26 dự án với vốn đầu tư 1.126,9 tỷ đồng (tương đương 45,9 triệu USD), chiếm 62% vốn đầu tư trong nước cấp mới.

Về thu hút đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ, có 33/40 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư hơn 83,7 triệu USD, chiếm 93% tổng vốn đầu tư thu hút mới. Trong đó, dự án đầu tư nước ngoài có 13/14 dự án với vốn đầu tư 15 triệu USD, chiếm 98% vốn đầu tư nước ngoài thu hút mới; dự án trong nước có 20/26 dự án với vốn đầu tư gần 1.181,8 tỷ đồng, chiếm 92% vốn đầu tư trong nước cấp mới.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thúc đẩy giải pháp tăng trưởng xanh và tăng trưởng số trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, Thành phố thực hiện kiểm toán và định lượng khí phát làm cơ sở để doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện chuyển đổi xanh.

TPHCM tiếp tục tập trung nâng cao tỉ trọng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giá trị gia tăng cao, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, có hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thành phố.

Đây là một trong những mục tiêu được UBND TPHCM đặt ra trong Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023- 2025, tầm nhìn 2030 vừa ban hành. 

Trong Đề án này, thành phố tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích thu hút đầu tư FDI của Thành phố; trong đó cải tổ toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành và chuyển hướng sang ưu đãi dựa trên kết quả, hiệu quả công việc, hỗ trợ sau đầu tư cho các dự án đã hoàn thành; hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao.

An Mai