TS Nguyễn Thế Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), vừa ra mắt sách “Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam” do NXB Chính trị quốc gia Sự thật phát hành.

Tác phẩm được đánh giá là công trình chuyên khảo có giá trị, góp phần bổ sung những khoảng trống trong nghiên cứu về loại hình di tích tôn giáo ít được quan tâm: quán Đạo giáo.

Trong hệ thống thiết chế tín ngưỡng truyền thống như đình, chùa, đền, miếu, thì quán Đạo giáo, nơi thờ các vị thần như Tam Thanh, Ngọc Hoàng, Huyền Thiên Trấn Vũ… lại là mảng ít được nghiên cứu, dù từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần người Việt.

Tác giả chọn vùng đất xứ Đoài xưa - nay, phía Tây Hà Nội làm điểm khảo sát thực địa, với nhiều quán cổ như Hội Linh, Hưng Thánh, Linh Tiên, Lâm Dương… Từ đó, ông lý giải quá trình bản địa hóa Đạo giáo qua sự giao thoa với tín ngưỡng dân gian, Phật giáo và Nho giáo, tạo nên một mô hình tâm linh khoan dung, linh hoạt mang đậm bản sắc Việt.

Cuốn sách cũng chỉ ra sự chuyển biến trong kiến trúc quán Đạo giáo: từ mặt bằng hình chữ Tam ở thế kỷ XVI sang mô hình chữ Công ở thế kỷ XVII, phản ánh tư duy kiến trúc ổn định, hướng nội. Hệ thống Hậu đường và Gác chuông được xem là tiền đề cho kiến trúc “Tiền Phật - Hậu Thánh” phổ biến sau này.

Một điểm nhấn khác là cách phân loại hệ thống tượng thờ trong quán thành bốn nhóm, trong đó có nhóm tượng mang tính hỗn dung Đạo - Phật, phản ánh sự hội nhập và phát triển đa dạng của đời sống tín ngưỡng. Đáng chú ý, TS Nguyễn Thế Hùng đưa ra những luận giải sâu sắc về vai trò Đạo giáo trong bối cảnh khủng hoảng tư tưởng thế kỷ XVI - XVII. Khi Nho giáo mất dần ảnh hưởng, Đạo giáo trở thành nơi nương náu tinh thần của giới trí thức. Nhà Mạc từng tôn sùng Đạo giáo thần tiên để củng cố quyền lực, trong khi phía Bắc xuất hiện xu hướng bản địa hóa mạnh mẽ qua tín ngưỡng thờ Mẫu và nội đạo Việt.

Theo GS - TS Nguyễn Văn Kim, cuốn sách không chỉ đóng góp cho nghiên cứu lịch sử - tôn giáo mà còn là tài liệu thực tiễn quan trọng trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc, tâm linh hiện nay.

Trong bối cảnh hội nhập, việc nhìn lại loại hình di sản đang bị "ẩn khuất" như quán Đạo giáo không chỉ là hành động bảo tồn, mà còn là cách khơi dậy lớp trầm tích văn hóa, giúp người Việt hôm nay hiểu rõ hơn căn cốt tín ngưỡng của dân tộc mình.

MAI AN