Đằng sau làn sóng M&A công ty chứng khoán nhỏ
Chứng Khoán

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, xu hướng M&A các công ty chứng khoán nhỏ phù hợp với điều kiện và quy luật của thị trường và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Sóng đổi chủ tại các công ty chứng khoán

Vài tháng trở lại đây, thị trường liên tục chứng kiến những diễn biến đáng chú ý liên quan đến quá trình đổi chủ tại một số công ty chứng khoán.

Điển hình, ngày 4/10/2024, tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), cổ đông sáng lập Inter - Pacific Securities Sdn Bhd, đại diện cho phần vốn góp của Tập đoàn Beryaja Berhad (Malaysia), đã chính thức rút lui sau khi chuyển nhượng 4 triệu cổ phần cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Hương Giang. Trong khi đó, bà Giang tiếp tục mở rộng quyền lực bằng việc mua vào 5 triệu cổ phần, là cổ đông lớn duy nhất tham gia đợt phát hành tăng vốn của SBBS.

Những động thái trên giúp nữ Chủ tịch nâng tỷ lệ sở hữu tại SBBS lên 60,19%, gia tăng quyền kiểm soát công ty. Năm ngoái, sau khi gom 40,22% cổ phần từ Inter - Pacific Securities Sdn Bhd và ông Phương Anh Phát để trở thành cổ đông lớn nhất tại SBBS, bà Nguyễn Thị Hương Giang đã bước lên ghế Chủ tịch của công ty chứng khoán này. Tuy nhiên, khi tiến hành sửa đổi điều lệ công ty, tân Chủ tịch vấp phải sự phản đối từ “phe đối lập”, bao gồm Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa - một trong số những cổ đông sáng lập của SBBS.

Trong khi bà Nguyễn Thị Hương Giang đang thực hiện những bước đi cuối cùng để củng cố quyền lực tại SBBS thì tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Hải Phòng (Haseco, UPCoM: HAC), “game” đổi chủ cũng dần đi đến hồi kết.

Ngày 25/9/2024, Haseco chào đón hai cổ đông lớn mới là ông Trần Anh Đức và ông Vũ Hoàng Việt, khi cả hai bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để lần lượt nắm giữ 15,23% và 24,87% cổ phần của công ty. Riêng ông Đức sau đó tiếp tục thực hiện thêm hai giao dịch vào ngày 10/10 và 11/10, nâng tỷ lệ sở hữu lên 19,94%.

Sự xuất hiện của hai cổ đông lớn mới đã khép lại “triều đại” của nhóm ông Vũ Dương Hiền và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hapaco (HoSE: HAP). Từ tháng 5 đến tháng 8, lần lượt Tập đoàn Hapaco, Chủ tịch HĐQT Vũ Dương Hiền cùng thành viên ban lãnh đạo và người có liên quan đã thoái sạch vốn cổ phần tại Haseco. Sau đó, người Hapaco cũng đồng loạt từ nhiệm.

Còn tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia, ngày 23/9/2024, màn đổi chủ gần như đã được hoàn tất khi công ty này chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán UP, đồng thời sử dụng bộ nhận diện thương hiệu, website, nền tảng giao dịch, email và fanpage mới.

Tương tự trường hợp của Haseco, nửa đầu năm, những cổ đông lớn đời đầu của công ty chứng khoán này cũng đã thoái sạch vốn và rời khỏi ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Hay như Công ty Cổ phần Chứng khoán Việt Tín (VTSS) đã được ĐHĐCĐ ngày 16/9 thông qua việc đổi tên thành Công ty Chứng khoán VTG (VTGS), chuyển trụ sở công ty từ toà nhà 40 Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) về toà nhà Bến Thành Tower (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Trước đó, khi gia đình cựu Chủ tịch Ronald Nguyễn Anh Đạt đã “dứt áo ra đi”, TIN Global Pte. Ltd - một doanh nghiệp Singapore đã thâu tóm 49% cổ phần của VTGS.

Đáng chú ý, tất cả các công ty chứng khoán nói trên đều có quy mô nhỏ với vốn điều lệ rơi vào khoảng từ 100 – 300 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh ảm đạm. Tính đến cuối quý II/2024, SBBS lỗ luỹ kế 266 tỷ đồng. Con số này ở Haseco và VTGS lần lượt là 31 tỷ đồng và 22 tỷ đồng. Trong khi đó, dù là đơn vị duy nhất ghi nhận lãi luỹ kế (27,5 tỷ đồng) song UP đang “thụt lùi” khi không còn giữ được vị thế trong top 20 thị phần sàn HoSE, top 10 thị phần sàn HNX mà họ từng đạt được vào năm 2009.

Vì sao các công ty chứng khoán nhỏ lọt vào tầm ngắm?

Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, CEO Công ty Cổ phần ViCK cho hay, có ba nguyên nhân chính đằng sau làn sóng đổi chủ đang diễn ra tại các công ty chứng khoán.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, CEO Công ty Cổ phần ViCK

Thứ nhất là tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành chứng khoán. Ông Điệp phân tích: “Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đón nhận những dấu hiệu khởi sắc từ nền kinh tế vĩ mô và kỳ vọng được nâng hạng vào năm 2025, dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức tài chính lớn trên thế giới sẽ đổ về. Điều này tạo ra tác động tích cực tới một số nhóm ngành. Trong đó, ngành chứng khoán – nơi cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư – được cho là ngành hưởng lợi nhiều nhất”.

Theo vị chuyên gia này, việc Bộ Tài chính chính thức cho phép nhà đầu tư nước ngoài không cần ký quỹ trước khi giao dịch cổ phiếu (non-prefunding) đã làm tăng sức hút của thị trường này. Ngành chứng khoán hiện nay đang trở thành “miếng bánh” hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức tài chính lớn.

Thứ hai, nghiệp vụ của công ty chứng khoán có thể giúp ích cho các tổ chức huy động và luân chuyển vốn. Ông Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh, không giống với trước đây khi giới chủ chủ yếu sử dụng công ty chứng khoán để lợi ích riêng của giới chủ trong việc tạo lập giá và thanh khoản, hiện nay, họ có thể sử dụng các nghiệp vụ hợp pháp để tạo và dịch chuyển nguồn vốn.

“Nếu tìm hiểu kỹ các nghiệp vụ tài chính của công ty chứng khoán, có thể thấy đây là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho việc huy động vốn, đặc biệt là trong các tình huống mà tổ chức tín dụng khó có thể thực hiện. Chính vì lý do đó, các công ty chứng khoán ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư”, ông Điệp cho hay.

Thứ ba là do chủ trương tái cấu trúc các công ty chứng khoán của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, khoảng 5 năm trở lại đây, UBCKNN đã dừng cấp phép mở mới công ty chứng khoán. Trong bối cảnh đó, những công ty chứng khoán hiện hữu, dù gặp phải một số khó khăn hoặc tiếng tăm không mấy tốt đẹp, vẫn là một “món hàng có giá” đối với các tập đoàn và tổ chức tài chính lớn muốn tham gia thị trường.

Thực tế, phần lớn các công ty chứng khoán mới đổi chủ thời gian gần đây, như đã nói ở trên, đều có quy mô nhỏ, hoạt động kinh doanh ảm đạm, ít được chú ý trên thị trường. Lý giải về xu hướng này, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho hay, trước hết, cần phải nhìn nhận rất rõ mục đích thâu tóm công ty chứng khoán của các nhà đầu tư.

Theo chuyên gia, có ba mục đích chính đằng sau các thương vụ này. Thứ nhất, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp có liên quan đến nguồn vốn thường mua lại công ty chứng khoán nhằm tạo dựng hành lang pháp lý, từ đó thực hiện các nghiệp vụ. Như đã đề cập, công ty chứng khoán là công cụ hiệu quả để tiếp cận và quản lý nguồn vốn. Thứ hai, nhiều nhà đầu tư thâu tóm công ty chứng khoán với kỳ vọng sẽ “hứng” được một phần lợi ích từ sự bùng nổ thanh khoản của thị trường, đặc biệt là khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Thứ ba, một số tổ chức coi việc mua lại công ty chứng khoán như một khoản đầu tư dài hạn, để sau này có thể bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn, mong muốn tham gia vào thị trường,.

“Dù với mục đích nào, các công ty chứng khoán nhỏ, ít hoạt động hoặc có hoạt động kinh doanh ảm đạm vẫn là một lựa chọn “lý tưởng” đối với các nhà đầu tư. Thâu tóm một công ty chứng khoán nhỏ, thường chỉ do một vài cổ đông nắm giữ, rõ ràng dễ dàng hơn nhiều so với việc thôn tính các công ty quy mô lớn với tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi cao. Từ góc độ hoạt động, các nhà đầu tư thường sẽ ưu tiên lựa chọn những công ty chứng khoán ít hoạt động hoặc chấp nhận mất thời gian để tái cấu trúc, thay vì đầu tư vào những công ty có hiệu quả kinh doanh tốt hơn, do giá mua thường cao hơn đáng kể”, ông Điệp phân tích.

Thách thức và kỳ vọng

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, khi nhắm tới các công ty chứng khoán nhỏ, các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với rủi ro và thách thức khi tiếp quản và tiến hành tái cơ cấu để phát triển theo định hướng mới. Tùy thuộc vào từng mục đích, những rủi ro mà họ phải đối mặt sẽ khác nhau. Ông Điệp đánh giá, nếu mua lại công ty chứng khoán nhằm mục đích tạo dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động nghiệp vụ về vốn, rủi ro tái cấu trúc của chủ mới là không lớn.

“Trong trường hợp này, công ty chứng khoán chỉ cần phục vụ cho một nhóm đối tượng nhỏ. Lúc này, rủi ro chủ yếu nằm ở việc giới chủ liệu có thực hiện nghiệp vụ vốn theo quy định của pháp luật không, hay họ sẽ đi theo “vết xe đổ” của những công ty chứng khoán từng sử dụng chiêu trò để tạo lập giá cổ phiếu liên quan. Mặt khác, các công ty chứng khoán có nghiệp vụ tự doanh - một nghiệp vụ mà đôi khi giới chủ sẽ sử dụng như một cách để giữ hàng của một số nhóm lợi ích. Thực tế, trên thị trường có một số công ty chứng khoán nhỏ đang nắm danh mục tự doanh lớn. Đây không phải danh mục tự doanh thông thường mà chủ yếu để một nhóm ông chủ thực hiện nghiệp vụ M&A. Trước khi chính thức thực hiện M&A, họ có thể repo, đứng tên hộ dưới hình thức tự doanh của công ty chứng khoán. Rõ ràng, khi sử dụng nghiệp vụ tự doanh, giới chủ có thể làm được rất nhiều điều. Theo đó, rủi ro, có chăng chỉ là vấn đề pháp lý và tuân thủ”, vị chuyên gia phân tích.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức tìm mua công ty chứng khoán nhằm mục đích tìm kiếm thị phần, rủi ro nằm ở vấn đề về vốn, chiến lược và nhân sự.

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, để có được thị phần, tăng vốn thôi là không đủ: “Xây dựng một công ty chứng khoán cần rất nhiều thứ. Các ông chủ phải định hình rõ hướng phát triển của mình sẽ đi theo hướng nào: thị phần, dịch vụ, cho vay hay tư vấn. Cùng với đó là xây dựng đội ngũ nhân sự. Thực tế, lượng nhân sự đủ năng lực đảm nhận các vị trí lãnh đạo như Tổng giám đốc hay Giám đốc khối của các công ty chứng khoán rất hạn chế. Câu hỏi tiếp theo đặt ra là, họ sẽ xây dựng chiến lược cạnh tranh như thế nào để giành được lợi thế trong một môi trường mà giá dịch vụ ngày càng thấp?”

Ông Điệp phân tích, trong cuộc cạnh tranh này, các nhà đầu tư sẽ luôn được hưởng lợi từ các chương trình giảm phí, cải thiện năng lực tư vấn đầu tư,… khi các công ty chứng khoán thực hiện các chiến lược để tìm kiếm thị phần. Tuy nhiên, đối với các công ty chứng khoán, nếu các hoạt động khách hàng thực hiện qua lâu mà không có hiệu quả, không giúp họ kiếm được thị phần đủ thu, đủ chi, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro hoạt động.

Nhìn lại lịch sử, đã có không ít trường hợp công ty chứng khoán nhỏ “thay máu” thành công và giành được vị thế mới trên thị trường, tạo ra những thay đổi tích cực trong bức tranh thị phần.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp đánh giá, thời gian tới, xu hướng M&A các công ty chứng khoán sẽ còn tiếp tục: “Xét trong bối cảnh vốn hoá thị trường còn nhỏ, số lượng nhà đầu tư còn ít, số lượng công ty chứng khoán lớn nhưng số lượng hoạt động có hiệu quả, mang lại giá trị cho thị trường và giúp ích cho thanh khoản không có nhiều, chủ trương hạn chế mở mới công ty chứng khoán của UBCKNN là một hướng đi đúng đắn. Theo tôi, xu hướng M&A công ty chứng khoán hiện hữu là phù hợp với điều kiện của thị trường và làn sóng này sẽ còn tiếp tục. Việc các ông chủ thu mua các công ty chứng khoán nhỏ và sáp nhập với nhau để thành công ty chứng khoán lớn hơn là một điều tốt, đặc biệt là trong tương lai, khi Luật Chứng khoán mới ra đời, yêu cầu về số vốn cũng cao hơn. Bản thân tôi cũng ủng hộ xu hướng này. Những công ty chứng khoán có hoạt động đình trệ cần có những người chủ mới. Dù mục đích M&A là gì, miễn là tuân thủ pháp luật, điều này đều có ý nghĩa tích cực đối với thị trường”.

Thái Hà