Trong bối cảnh mới với cuộc cạnh tranh điểm đến ngày càng khốc liệt, nếu không có chiến lược đầu tư để nâng tầm sản phẩm, làm mới trải nghiệm, du lịch Đà Nẵng rất có thể sẽ “hụt hơi” trên đường đua quốc tế.
Cuộc cạnh tranh điểm đến khốc liệt
Không thể phủ nhận Đà Nẵng là địa phương có đóng góp hàng đầu về lượng khách, và là một biểu tượng của du lịch Việt Nam cả về tài nguyên, hạ tầng, hệ thống dịch vụ, công tác phục vụ, môi trường điểm đến. Đà Nẵng cũng đang chứng tỏ đà phục hồi du lịch mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.
Đà Nẵng kỳ vọng đạt số khách quốc tế tương đương thời điểm trước dịch COVID-19
Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, chỉ 7 tháng đầu năm, khách quốc tế đến TP đạt 2,5 triệu lượt, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng mục tiêu cả năm (năm 2024 Đà Nẵng đặt mục tiêu đón 8,42 triệu lượt khách, riêng khách quốc tế 2,5 triệu lượt). Dự báo năm 2024, TP sông Hàn có thể đạt con số tương đương thời điểm trước dịch là 3,5 triệu lượt khách quốc tế.
Sở hữu tài nguyên thiên nhiên hiếm có, hạ tầng du lịch hiện đại với nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp như KDL Sun World Ba Na Hills, Cầu Vàng, KND InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, thương hiệu lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF, chuỗi show diễn ấn tượng với pháo hoa hàng đêm tại Da Nang Downtown,… Đà Nẵng được đánh giá đã sẵn "đà" và "thế" trên đường đua du lịch khu vực và châu lục.
Song, cuộc cạnh tranh điểm đến đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Các quốc gia không chỉ cạnh tranh về chính sách visa, chính sách giá, tối ưu trải nghiệm mà còn không ngừng đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhiều công trình, sản phẩm du lịch để hút khách, tăng chi tiêu, tăng thời gian lưu trú.
Đáng lưu ý, các quốc gia vẫn không ngừng chi mạnh để đầu tư sản phẩm mới dù liên tục phá kỷ lục về số khách. Điển hình là Thái Lan, để khởi động cho "đại chiến lược" phát triển du lịch đầy tham vọng của mình, Chính phủ Thái Lan dự kiến khoảng 3.000 sự kiện và các lễ hội văn hóa sẽ được tổ chức. Nền kinh tế 24h cũng được kích hoạt mạnh mẽ để "móc hầu bao" du khách. Theo đó, từ tháng 12/2023, Thái Lan mở cửa các điểm giải trí về đêm ở một số khu vực tại Bangkok, Phuket, Chiang Mai và Chonburi cho đến 4 giờ sáng. Nhiều du khách từng tới Thái Lan "5 lần 7 lượt" nhận xét, quốc gia này luôn là điểm đến hấp dẫn trước hết bởi sự đa dạng về điểm đến và dịch vụ, chịu khó thay đổi để bắt lấy thời cơ.
Thái Lan mở cửa các điểm giải trí về đêm cho đến 4 giờ sáng
Còn Tổng cục Du lịch Singapore (STB) cho biết nước này đang đầu tư 300 triệu USD vào Quỹ Phát triển Du lịch nhằm đầu tư các sản phẩm du lịch mới. Các dự án hoàn thành mới nhất bao gồm Sensoryscape, con đường nối liền Resorts World Sentosa và bãi biển Sentosa, với các khu vườn đa giác quan và những buổi trình chiếu nghệ thuật ánh sáng vào ban đêm,…
Tại Đà Nẵng, ngay từ khi mở cửa trở lại sau dịch bệnh, chính quyền TP đã chủ trương làm mới, sản phẩm du lịch, đa dạng trải nghiệm để hút khách. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn chung sức để phát triển sản phẩm mới cho du lịch TP. Như Tập đoàn Sun Group tiếp tục đồng hành cùng Đà Nẵng đưa lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF trở lại sau 3 năm vắng bóng vì dịch Covid-19; nâng tầm Công viên Châu Á thành tổ hợp giải trí, mua sắm đẳng cấp Da Nang Downtown với hàng loạt show diễn quy mô.
KDL Bà Nà Hills đã và đang được nâng tầm bằng việc bổ sung nhiều hạng mục, sản phẩm mới mẻ, ấn tượng như Cổng Thời gian, Lâu đài Mặt Trăng, Quảng trường Nhật Thực, Thác Thần Mặt trời, nhà máy bia và thương hiệu bia riêng của Bà Nà - Sun Kraft Beer, xưởng bánh mì Pháp, máng trượt số 3 cùng những show diễn đẳng cấp liên tục được đổi mới… Như đánh giá của bà Hoàng Nguyệt - Giám đốc Công ty du lịch và lữ hành Hoàng Nguyệt: "Đặt chân đến Đà Nẵng là phải đi Bà Nà, xem đây là món ăn tinh thần không thể thiếu, như một thiên đường giữa thành phố. Hơn nữa, Bà Nà luôn luôn đổi mới, năm nào cũng có sản phẩm mới nhưng vẫn giữ được nét tự nhiên, dịch vụ tốt ngay từ khâu soát vé cho tới ẩm thực".
Cần "liều doping" bằng sản phẩm du lịch đẳng cấp cho Đà Nẵng
Mặc dù vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận, Đà Nẵng đang cần "liều doping" để chống "hụt hơi", tăng tốc và bứt phá trên đường đua du lịch khu vực và châu lục.
Chưa nói đến mức chi tiêu bình quân, về lượng khách, 7 tháng 2024, Thái Lan đã đón hơn 20 triệu lượt khách quốc tế, gấp đôi Việt Nam. Singapore, quốc đảo diện tích chỉ bằng 60% Đà Nẵng, đã đón 5,7 triệu lượt khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm khiến nước này nâng mục tiêu cả năm, dự kiến đón 15-16,5 triệu du khách quốc tế trong năm 2024, với doanh thu du lịch đạt khoảng 27,5-29 tỷ USD Singapore.
Singapore đầu tư 300 triệu USD vào Quỹ Phát triển du lịch nhằm đầu tư các sản phẩm du lịch mới
Theo giới chuyên môn, giải pháp để tăng tốc trên đường đua du lịch, tăng sức cạnh tranh điểm đến trong khu vực cho Đà Nẵng chính là nhanh chóng nâng tầm sản phẩm, gia tăng trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: "Sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho điểm đến, để thu hút khách trong thời gian tới".
Phân tích về vấn đề này, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng nhận định: "Trong cuộc cạnh tranh điểm đến khốc liệt, để giữ vững vị thế là một trong những điểm đến hàng đầu Châu Á, Đà Nẵng cần tiếp tục đầu tư những sản phẩm du lịch xứng tầm, có nét đặc trưng riêng và có những phân khúc riêng hướng đến từng nhóm đối tượng khách khác nhau, trong đó tập trung hướng đến những đối tượng khách ở các thị trường có khả năng chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày. Trong tầm nhìn dài hạn, Đà Nẵng cần có sản phẩm du lịch đẳng cấp hàng đầu quốc tế".
Ông Cao Trí Dũng kỳ vọng, Đà Nẵng sẽ sớm có được những hình mẫu khu du lịch tầm cỡ như trên thế giới. "Đây là một định hướng rất lớn của thành phố về phát triển du lịch và đã nằm trong quy hoạch chung của điểm đến. Đà Nẵng sẽ có khu du lịch Bà Nà Hills đẳng cấp thế giới, hướng tới vượt qua cả Genting (Malaysia) bởi vì Bà Nà gần sân bay hơn, đi lại thuận tiện hơn, phong cảnh tươi đẹp hơn".
"Khi xây dựng khu du lịch tầm cỡ, cần hướng đến phát triển bền vững trên tinh thần của 3 trụ cột. Thứ nhất, bền vững về kinh tế, thu hút được thêm nhiều khách, tạo nhiều công ăn việc làm, tăng được nguồn thu cho ngân sách. Thứ hai là bền vững về các giá trị văn hóa, phù hợp với đặc trưng riêng của điểm đến Bà Nà. Thứ ba là hài hòa với thiên nhiên. Và Bà Nà đã làm rất tốt những việc này. Chúng tôi tin rằng, Bà Nà Hills sẽ phát triển xứng tầm, đạt được vị thế xứng đáng và đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế, xã hội, du lịch Đà Nẵng", vị chuyên gia khẳng định.
Nếu có được những khu du lịch tầm cỡ quốc tế, cộng thêm bệ phóng từ khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam, loạt cơ chế, chính sách đặc thù, Đà Nẵng hoàn toàn có thể chạm tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vào năm 2030, và trở thành điểm đến hàng đầu châu Á vào năm 2050 như Quy hoạch chung đã đề ra.
PV