Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, còn khoảng 77.635,9 tỷ đồng, chiếm 9,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao chưa phân bổ trong đó, chủ yếu số vốn chưa phân bổ dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công giao năm 2025 bao gồm cả kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang là 885.755,52 tỷ đồng.
Tổng hợp của Bộ Tài chính cho thấy, tổng số vốn đã phân bổ là 798.251,2 tỷ đồng, đạt 96,65% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (825.922,3 tỷ đồng). Bao gồm ngân sách trung ương là 313.575,7 tỷ đồng (vốn trong nước là 291.323,9 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 22.251,9 tỷ đồng), ngân sách địa phương là 484.675,5 tỷ đồng. Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng, tổng số vốn đã phân bổ là 748.286,39 tỷ đồng, đạt 90,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Bộ Tài chính đánh giá, trong quá trình phân bổ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là 116.965,06 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 19/02/2025, có 24/47 bộ, cơ quan trung ương và 49/63 địa phương phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 77.635,9 tỷ đồng, chiếm 9,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn ngân sách trung ương là 36.619,2 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 41.016,6 tỷ đồng.
Có nhiều nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Bộ Tài chính chỉ ra. Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, tính đến thời điểm báo cáo có 24/47 bộ, cơ quan trung ương và 42/63 địa phương chưa phân bổ với số vốn là 36.619,2 tỷ đồng/350.195 tỷ đồng, chiếm 10,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn theo ngành, lĩnh vực chưa phân bổ là 34.826,6 tỷ đồng trong đó, vốn trong nước là 32.519,9 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 2.306,7 tỷ đồng.
Trong nguồn vốn ngân sách trung ương nêu trên, vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ là 1.792,7 tỷ đồng của 01/02 bộ ngành và 23/48 địa phương.
Bên cạnh nguồn ngân sách trung ương, vốn cân đối ngân sách địa phương là 41.016,6 tỷ đồng của 24/63 địa phương chưa phân bổ do địa phương để lại phân bổ sau, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, xổ số, bội chi ngân sách địa phương.
Bộ Tài chính cho rằng, việc chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025. Trong đó, chủ yếu số vốn chưa phân bổ dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/02/2025 về việc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 (Công điện 16). Công điện đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương “khẩn trương phân bổ chi tiết hết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025 trong quý I/2025 theo đúng quy định…”.
Theo đó, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/3/2025. Tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ đẩy mạnh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 16.
Sau ngày 31/3/2025, Bộ Tài chính sẽ báo cáo cấp thẩm quyền cắt giảm để điều chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2025 để bố trí cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược có khả năng giải ngân (bao gồm cả các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 23/TB-VPCP ngày 20/1/2025 về việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia).
Huyền My (t/h)