Có thể mua NƠXH tỉnh khác nếu đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập
Bất Động Sản

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, không hạn chế đối tượng đến từ các tỉnh khác, chỉ cần đáp ứng đủ các điều điều kiện theo luật là sẽ được mua nhà ở xã hội.

Thông tin này được nêu tại hội nghị Đối thoại "Tuyên truyền, phổ biến, thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản" ngày 15/10.

Cụ thể, căn cứ Điều 78 Luật Nhà ở 2023, đối tượng mua nhà ở xã hội (NƠXH) chỉ cần đáp ứng được 2 điều kiện là điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập thì người đến từ một tỉnh có thể mua được NƠXH ở tỉnh khác.

Có thể mua NƠXH tỉnh khác nếu đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập- Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng Nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho hay đây là một trong điểm mới trong chính sách phát triển NƠXH. Trước đây, người ở tỉnh nào được phép mua nhà ở xã hội tỉnh đó nay mở rộng ra các tỉnh khác nhau. Theo đó, người ở Hà Nội chỉ mua được nhà ở xã hội Hà Nội.

Bây giờ, người ở Hà Nội muốn mua nhà ở xã hội TP.HCM thì chỉ cần chứng minh không có nhà ở tại đây là có thể mua được.

Bà Hà cho hay, người muốn mua nhà ở xã hội chứng minh bằng cách xin xác nhận vợ, chồng không có "sổ đỏ" tại nơi có dự án nhà ở xã hội thay vì phải xác minh rất nhiều thông tin như trước đây… Luật mới cũng lấy mốc thu nhập hàng tháng dưới hoặc bằng 15 triệu đồng hoặc tổng thu nhập 2 vợ chồng dưới hoặc bằng 30 triệu đồng là đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.

"Đặc biệt là việc cải thiện thủ tục hành chính. Theo đó, chỉ cần xác nhận đối tượng và vợ/chồng (nếu có) không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án NƠXH tại thời điểm nộp hồ sơ là đủ điều kiện thay vì phải xác minh rất nhiều thông tin như trước đây", bà Hà nói.

Từ đó, trong pháp luật hiện hành, trình tự phát triển nhà ở xã hội theo luật mới đã rút ngắn rất nhiều thủ tục hành chính, gồm 3 bước:

Ở giai đoạn chuẩn bị dự án, bước quy hoạch có sự khác biệt trong đó có yêu cầu về quy hoạch khi đấu thầu dự án là có quy hoạch phân khu 1/2000 hoặc chi tiết tỷ lệ 1/500. Đặc biệt, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ dự án; không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng như thủ tục đề nghị miễn. Ngoài ra, trường hợp chủ đầu tư xây dựng trong phạm vi dự án nhà ở xã hội thì việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất phải nộp thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Hai bước ở giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc dự án không có sự khác biệt nhiều so với dự án nhà ở thương mại.

Về vấn đề ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, Phó trưởng phòng Nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng như thủ tục đề nghị miễn và hưởng mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng.

Về giá bán, công thức tính giá thuê, giá thuê mua được cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh nơi có dự án sẽ thực hiện việc thẩm định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư đề nghị.

Về vấn đề nguồn vốn ưu đãi, Luật Nhà ở mới có thêm điểm mới đó là nguồn vốn ủy thác từ quỹ phát triển nhà ở địa phương (nếu có), ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm, vốn từ phát hành trái phiếu, công trái nhà ở và các nguồn hợp pháp khác do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định để thực hiện mục tiêu, kế hoạch nhà ở xã hội tại địa phương...

Huyền My (t/h)