Khả năng hấp thụ CO2 của rong biển nhanh gấp 5 lần thực vật cạn, vì thế nuôi trồng rong biển còn có cơ hội bán tín chỉ carbon với giá cao.
Việt Nam được coi là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Theo tính toán, chỉ riêng ngành Nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ.
Nếu ngành nông nghiệp đã có thể bán tín chỉ carbon từ rừng thì với ngành thuỷ sản, tiềm năng này cũng đang được nhận diện ở ngành hàng rong biển.
Việt Nam đã xác định được 800 loài rong biển, trong đó có 90 loài có giá trị kinh tế. Hiện nay, ở nước ta có những vùng nuôi trồng rong biển quy mô lớn, nuôi kết hợp với các loại hải sản khác như hàu, ngọc trai, bào ngư...
Loại thực vật này có nhiều công dụng như làm thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm... nhưng nếu chỉ như vậy thì lợi nhuận không cao, còn nếu làm tín chỉ carbon cho cây rong để bán tín chỉ carbon, thì giá trị kinh tế của cây rong sẽ tăng lên. Cùng với đó, cần kết hợp nuôi rong với hàu, nuôi rong với bào ngư. Trồng rong phải dụng công chăm sóc, đem lại ích lợi đa chiều, giúp hấp thu khí carbon dưới biển.
Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã có nghiên cứu chứng minh, cây rong biển có tác dụng hấp thụ CO2 gấp khoảng 2-5 lần so với cây rừng trên cùng một diện tích.
Một số loài rong có tán rộng, như rong bẹ, khả năng hấp thụ CO2 gấp khoảng 20 lần cây rừng. Với 1km2 nuôi trồng rong biển có thể lưu trữ 1.500 tấn khí CO2. Do đó, việc mở rộng diện tích nuôi trồng rong biển sẽ tạo ra các bể chứa carbon khổng lồ cho ngành thuỷ sản.
Trên thế giới, việc bán tín chỉ carbon từ các trang trại nuôi trồng rong ở các nước đã được đề cập tới. Ở nước ta, bán tín chỉ carbon từ rong biển cũng rất khả thi. Khi thị trường carbon được vận hành mua bán, bể chứa carbon rong dưới biển sẽ là nguồn tài nguyên mới giúp ngư dân nước ta nâng cao thu nhập.
Hiện, sản lượng rong biển ở nước ta mới đạt khoảng 150.000 tấn/năm. Cục Thủy sản cho rằng, khi phát triển đến một diện tích nhất định về rong, chúng ta sẽ đồng hành cùng các tổ chức quốc tế để người trồng rong có thể bán được tín chỉ carbon.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất 500.000 tấn rong biển giai đoạn 2025 – 2030. Trong đó, định hướng phát triển gần bờ từ Thanh Hóa đến Quảng Bình phát triển sản xuất rong nho, rong sụn, rong câu chỉ vàng; vùng xa bờ có nhiều phương thức phát triển hơn, rong biển có thể nuôi đơn hoặc nuôi kết hợp với tôm, cá, nhuyễn thể có giá trị cao.
Về phát triển rong biển của Việt Nam hiện nay mới chỉ là kết quả ban đầu. Để ngành rong biển phát triển ổn định trong thời gian tới, ngay từ bây giờ cần phải nghiên cứu, chọn tạo để có được những giống rong chất lượng, phục vụ cho những mục đích khác nhau như lĩnh vực thực phẩm hoặc cho lĩnh vực dược phẩm. Tiếp đến là công nghệ trồng để có thể đạt sản lượng cao nhất, rút ngắn thời gian trồng, đặc biệt là đạt chất lượng xuất khẩu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh, doanh nghiệp phát triển nuôi trồng, chế biến rong biển ngoài việc tập trung nâng cao giá trị sản phẩm cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ sinh thái ngành hàng; tạo nhiều việc làm cho lực lượng ngư dân chuyên khai thác, giúp họ chuyển đổi ngành nghề phát triển nuôi trồng bền vững.
Song song đó, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nhận thức không chỉ bán sản phẩm rong biển thông thường, thu lợi nhuận mà đang bán giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Sản phẩm do mình tạo ra có tác động lớn tới sức khỏe giống nòi. Từ đó, không ngừng hoàn thiện quy trình chất lượng từ con giống, sản xuất, chế biến, bảo quản…
Bộ trưởng yêu cầu Cục Thủy sản hướng dẫn, đồng hành cùng các doanh nghiệp nghiên cứu thành lập Hiệp hội ngành hàng rong biển; tạo môi trường thuận lợi để cùng nhau kiến tạo không gian giá trị mới cho ngành hàng rong biển. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, quy hoạch, tiêu chuẩn để các địa phương có căn cứ đánh giá đúng giá trị của ngành hàng rong biển, từ đó có những chủ trương, chính sách phát triển phù hợp.