Chuyển vốn 600 tỷ cho Trustlink, CIENCO4 bị Ủy ban Chứng khoán điểm vi phạm
Tài Chính - Đầu Tư

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố kết luận thanh tra tại Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (CIENCO4). Qua đó đã phát hiện nhiều vi phạm, tồn tại, đặc biệt là vấn đề sử dụng vốn.

Nhiều vi phạm tại CIENCO4

Theo kết luận thanh tra tại CIENCO4, trong giai đoạn thanh tra, về cơ bản công ty đã tuân thủ các quy định của pháp luật chứng khoán. Tuy nhiên, vẫn còn có một số vi phạm quan trọng, đặc biệt trong các giao dịch với Công ty cổ phần Dịch vụ và đầu tư Trustlink (Công ty Trustlink), một cổ đông lớn sở hữu hơn 2,3 triệu cổ phiếu của CIENCO4 (mã cổ phiếu C4G).

Kết luận thanh tra cho biết từ ngày 1/4/2024, CIENCON4 đã thực hiện các giao dịch vay với Công ty Trustlink, bao gồm hai hợp đồng cho vay vào các ngày 1/4/2024 (350 tỷ đồng) và 1/7/2024 (374 tỷ đồng). Việc này đã vi phạm các quy định theo Nghị định số 155 của Chính phủ.

Tiếp đó, năm 2022, CIENCON4 đã phát hành hơn 112,35 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, thu được hơn 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đã sử dụng phần lớn số tiền này vào việc cho Công ty Trustlink vay mà không được ĐHĐCĐ thông qua.

Cụ thể, CIENCON4 đã chuyển 600 tỷ đồng cho Trustlink từ ngày 4/3/2022 đến 7/3/2022, vượt quá 50% vốn thu được từ đợt chào bán mà không báo cáo tới UBCKNN. Điều này làm thay đổi phương án sử dụng vốn và vi phạm các quy định về công bố thông tin.

Cũng theo kết luận thanh tra, vào năm 2023, CIENCON4 lại tiếp tục thực hiện hành vi tương tự trong đợt chào bán hơn 112,35 triệu cổ phiếu.

Công ty có một khoản vay 600 tỷ đồng đã được chuyển cho Trustlink từ 11/5 đến 18/5/2023. Số tiền này cũng đã vượt quá 50% theo quy định sử dụng vốn từ đợt phát hành. Điều này đã vi phạm các quy định về phương án sử dụng vốn từ đợt phát hành mà không được ĐHĐCĐ thông qua và không báo cáo UBCKNN.

Thanh tra UBCKNN đề nghị CIENCON4 khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, thiếu sót sau thanh tra. Cụ thể, về chào bán và phát hành chứng khoán, cần đảm bảo tuân thủ quy định chặt chẽ trong phát hành và sử dụng vốn. Công ty và HĐQT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc sử dụng số tiền thu được từ đợt phát chào bán cổ phiếu năm 2022, 2023.

Đồng thời, công ty phải thu hồi các khoản cho Trustlink vay, sửa đổi bổ sung quy chế, khắc phục báo cáo tình hình quản trị công ty.

“Đại gia” đứng sau công ty Trustlink?

Công ty cổ phần Dịch vụ và Đầu tư Trustlink thành lập tháng 5/2009, vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Địa chỉ trụ sở đặt tại 26 Trần bình Trọng, Hà Nội. Tổng giám đốc công ty là bà Nguyễn Thị Hiền.

Công ty có 3 cổ đông sáng lập, trong đó Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phòng góp 48,5 tỷ đồng (chiếm 97% vốn điều lệ). Hai cổ đông sáng lập còn lại là bà Phạm Quỳnh Nga và Phạm Hồng Hoa đã chuyển nhượng hết cổ phần.

Tới tháng 2/2021, công ty cập nhật thay đổi địa chỉ trụ sở về tòa nhà Diamond Flower Lê Văn Lương. Đến tháng 6/2021, công ty tăng vốn điều lệ lên 105 tỷ đồng.

Thời điểm tháng 5/2022, Tập đoàn đầu tư I.P.A công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần Công ty Trustlink từ các cổ đông hiện hữu để sau khi nhận chuyển nhượng thì Tập đoàn đầu tư I.P.A trở thành công ty mẹ của Trustlink. Song đến nay, Trustlink vẫn chưa ghi nhận là công ty con của IPA.

Đáng chú ý, Trustlink từng là chủ nợ, tham gia các ‘deal’ M&A và thu xếp vốn cho nhiều doanh nghiệp. Đơn cử, tháng 9/2021 Hội đồng quản trị CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đã phê duyệt phương án vay 70 tỷ đồng từ Trustlink nhằm thanh toán khoản nợ đến hạn của công ty tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh Đống Đa.

Ở một thương vụ khác, năm 2020, Trustlink từng cho CTCP Hoàng Anh Gia Lai vay 93,3 tỷ đồng với lãi suất 14%/năm. Tài sản bảo đảm là 13,75 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của Công ty Hưng Thắng Lợi.

Tương tự, CTCP Kho vận Miền Nam cũng từng phải "cậy nhờ" vào Công ty Trustlink. Tại ngày 30/6/2020, doanh nghiệp này ghi nhận khoản vay ngắn hạn với Trustlink nhằm mục đích tài trợ nhu cầu vốn lưu động có số dư 139,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà vào cuối năm 2019 cũng đã phê duyệt chủ trương vay vốn tại Trustlink nhằm mục đích mua cổ phần CTCP Viwaco.

CTCP Tập đoàn CIENCO4 là đơn vị của Cục Công trình - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được thành lập ngày 27/12/1962. Năm 2014, công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần với tên gọi Tổng công ty Xây dựng công trình 4 - CTCP (tên viết tắt: CIENCO4) với vốn điều lệ 600 tỷ đồng.

Năm 2014, Công ty đã đăng ký đại chúng với UBCKNN. Trong các năm tiếp theo, công ty đã lần lượt thực hiện tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 720 tỷ đồng (năm 2015) và 1.000 tỷ đồng (năm 2016). Năm 2017, công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4.

Hiện công ty có vốn điều lệ hơn 3.573 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật gồm: ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc.

Ngành nghề kinh doanh chính: Xây dựng công trình đường sắt và đường bộ. Chi tiết Đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, nhà máy thủy điện loại nhỏ và kết cấu hạ tầng khác theo hình thức BOT, BT, BOO,…

CIENCO4 có hai cổ đông lớn là: Công ty cổ phần (CTCP) New Link (sở hữu 37.064.779 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 10,37%) và CTCP chứng khoán VnDirect (sở hữu 27.594.619 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 7,72%).

Công ty con, công ty liên kết: Theo báo cáo của Công ty, tại thời điểm thanh tra, công ty có 4 công ty con gồm: CTCP Đầu tư CIENCO4 Land (tỷ lệ sở hữu 68,88%), CTCP Green Tea Islands (tỷ lệ sở hữu 100%), Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải (tỷ lệ sở hữu 100%), CTCP Thiết bị Giáo dục 2 (tỷ lệ sở hữu 99,01%). Bên cạnh đó, công ty có 10 công ty liên doanh/liên kết, 02 đơn vị phụ thuộc.

Lợi nhuận sau thuế thu nhập của CIENCO4 năm 2022, 2023 (theo BCTC hợp nhất đã kiểm toán) và BCTC hợp nhất được soát xét bán niên năm 2024 lần lượt là: 154,77 tỷ đồng; 128,35 tỷ đồng và 101,34 tỷ đồng.