Chuyên gia: "Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư số 1"
Chứng Khoán

Theo chuyên gia độc lập Phan Dũng Khánh, chứng khoán vẫn là kênh đứng số một, bên cạnh chính sách điều hành linh hoạt, hỗ trợ nhiều cho thị trường, nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán trong giai đoạn 10 tháng qua biến động mạnh mẽ với chuỗi tăng mạnh từ tháng 5 đến tháng 8, sau đó quay đầu điều chỉnh đến nay.

Tại Tọa đàm "Tìm động lực cho thị trường chứng khoán cuối năm" do Báo Dân trí tổ chức sáng 30/10, ông Đinh Đức Minh - Giám đốc Đầu tư Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital - cho rằng nếu nhìn diễn biến thị trường từ đầu năm tới nay cũng như đáy thấp nhất của thị trường giữa tháng 11 năm ngoái đến nay thì diễn biến thị trường tương đối hợp lý, "cũng không phải tệ lắm".

Ông Minh cho rằng, thị trường đang phản ánh tương đối chính xác diễn biến kể cả sự kiện tích cực lẫn tiêu cực trên thị trường trong khoảng 1 năm nay.

Chuyên gia: "Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư số 1" - Ảnh 1.

Ông Đinh Đức Minh - Giám đốc Đầu tư Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital - cho rằng nếu nhìn diễn biến thị trường từ đầu năm tới nay cũng như đáy thấp nhất của thị trường giữa tháng 11 năm ngoái đến nay thì diễn biến thị trường tương đối hợp lý.

Điểm rất rõ trên thị trường, theo ông Minh là khi thị trường rơi xuống một mức nào đó, định giá tương đối rẻ thì sẽ bắt đầu thu hút được dòng tiền. Tháng 11, 12 năm ngoái khi định giá thị trường rơi vào mức thấp thì nhà đầu tư thấy hấp dẫn và quay trở lại đầu tư. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán khá nhạy cảm với lãi suất. Giai đoạn tháng 6,7,8 vừa rồi khi ngân hàng liên tục có động thái hạ lãi suất thì thị trường chứng khoán thu được dòng tiền rất mạnh.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, hễ định giá thị trường rẻ là sẽ có dòng tiền ngoại chảy vào. Tương tự tháng 11, 12 năm ngoái, tháng 1 năm nay hay những tuần vừa rồi khi thị trường rơi sâu, dòng tiền nước ngoài bắt đầu trở lại. Tuy nhiên, khối ngoại cũng rất nhạy cảm với diễn biến đồng USD trên thế giới. Khi đồng USD mạnh lên, lãi suất ở Mỹ tăng cao thì dòng tiền nước ngoài có xu hướng yếu đi, rời khỏi Việt Nam.

Chung quan điểm, chuyên gia độc lập Phan Dũng Khánh đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 tháng vừa qua mặc dù gặp khó khăn nhưng trên thị trường tài chính nói chung, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận tốt nhất, điều này thể hiện rõ rệt ở giai đoạn 8 tháng đầu năm. Nhiều cổ phiếu có mức tăng không chỉ tính bằng phần trăm mà còn tính bằng lần nếu mà chúng ta tính từ đáy cuối tháng 11/2022.

Ông Khánh cho rằng, thị trường đang có rất nhiều yếu tố hỗ trợ, nhưng một trong những điểm đặc biệt nhất là chính sách điều hành tại Việt Nam vô cùng linh hoạt, hỗ trợ cho thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Ví dụ, năm 2023 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 4 lần liên tiếp nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại hạ lãi suất 4 lần liên tiếp để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, nền kinh tế dù còn nhiều khó khăn vào giai đoạn nửa đầu năm nhưng càng về cuối năm, các số liệu về kinh tế vĩ mô càng được cải thiện. Ông Khánh lấy ví dụ, hồi cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp sa thải nhân sự, số lượng mặt hàng chủ lực của Việt Nam trong xuất nhập khẩu (da giày, dệt may…) bị thiếu hụt đơn hàng. Nhưng gần về cuối năm nay, không chỉ doanh nghiệp dệt may, da giày mà còn nhiều doanh nghiệp khác ghi nhận lượng đơn hàng quay trở lại đáng kể.

Thậm chí, theo chia sẻ của ông Khánh, nhiều nhà đầu tư (nhất là những nhà đầu tư cầm tiền) than phiền rằng thị trường chứng khoán tăng liên tục trong 8 tháng đầu năm thì họ cảm thấy rất sốt ruột.

"Họ đứng lâu quá nên giờ phải ngồi để đợi, thì bây giờ cũng là "cầu được ước thấy" khi mà 2 tháng vừa qua thị trường liên tục sụt giảm. Đây cũng là một cơ hội cho nhà đầu tư cầm tiền" - ông Khánh nhìn nhận.

Vị chuyên gia cho hay, chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) tăng mạnh từ mức thấp 99 điểm lên mức gần 108 điểm. Để giải thích rõ hơn, một điểm của DXY sẽ tương ứng với khoảng 2-3% giá trị tài sản khác. Nên khi DXY tăng mạnh, những tài sản được định giá bằng USD sẽ dễ dàng bị bán tháo.

Chuyên gia: "Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư số 1" - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho rằng, trong năm 2023, chứng khoán vẫn là kênh đứng số một, bên cạnh chính sách điều hành linh hoạt, hỗ trợ nhiều cho thị trường, nền kinh tế.

Theo dõi số liệu các quỹ đầu tư ETF trên thế giới, tính đến hết tháng 9, lượng tài sản của Quỹ đầu tư ETF liên quan đến tiền tệ đã có tỷ trọng tài sản tăng lên đến 5.600 tỷ USD. Đây là số lượng tài sản họ nắm giữ lớn nhất trong lịch sử. Nghĩa là lượng tiền được đổ vào, lượng tài sản rủi ro mà được rút qua những kênh trú ẩn đã tăng vọt.

Chứng khoán Mỹ cũng đã sụt giảm khá sâu trong giai đoạn này và cũng ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

Còn một yếu tố trong nước nữa là sau khi thị trường tăng mạnh trong 8 tháng thì nhiều cổ phiếu có mức định giá P/E cao hơn giai đoạn hồi trước dịch. Trong khi, mức định giá và tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không thể chạy vọt như vậy được. Nhiều cổ phiếu tăng 2, 3 lần, thậm chí 5 lần nhưng kết quả kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp chỉ mới từ lỗ sang bớt lỗ.

Chính vì vậy, ông Khánh đánh giá, thị trường điều chỉnh trong thời gian qua không phải là điều quá ngạc nhiên. Song nhờ những cơ hội như vậy, những người có tỷ trọng tiền mặt cao mới có cơ hội để tích lũy thêm cổ phiếu trong thời gian tới. Nhất là trong năm 2023, chứng khoán vẫn là kênh đứng số một, bên cạnh chính sách điều hành linh hoạt, hỗ trợ nhiều cho thị trường, nền kinh tế.

"Có thể, thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng trong trung và dài hạn là một tương lai xán lạn", ông Khánh nêu quan điểm.

Tại tọa đàm, bà Phạm Thị Thùy Linh - Vụ phó Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cũng bày tỏ tin tưởng một cách mãnh liệt vào chủ trương của Chính phủ trong việc đưa thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững và là kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế.

Chuyên gia: "Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư số 1" - Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Thùy Linh - Vụ phó Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Bà Phạm Thị Thùy Linh cũng rất mong nhà đầu tư phải tỉnh táo trong việc tìm kiếm thông tin để hỗ trợ hoạt động đầu tư của mình, có thể là từ cơ quan quản lý, các sở giao dịch, VSD hoặc chính từ các thành viên thị trường là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. "Chúng tôi nghĩ rằng nhà đầu tư khi tiếp cận những thông tin chính thống như vậy sẽ tự bảo vệ được quyền lợi của mình trong hoạt động đầu tư", bà Thùy Linh nhấn mạnh.

"Chúng tôi nhận thấy, quá trình hơn 20 năm vừa qua của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi HoSE đi vào hoạt động trải qua rất nhiều bước thăng trầm của thị trường nhưng với sự tin tưởng, đồng hành của các thành viên thị trường và các nhà đầu tư thì tôi tin tưởng, cùng với nỗ lực của UBCKNN và các bộ, ban, ngành, chúng ta sẽ tìm thấy được thắng lợi trong hoạt động đầu tư của mình", Vụ phó Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán nói.

Thanh Thủy