Ngày 3/3/2024, tại Hà Nội, Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam (Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam) phối hợp với Doanh nghiệp xã hội vì người khiếm thính Việt Nam tổ chức Chương trình Chào mừng Ngày Thính giác thế giới.
Buổi lễ có sự góp mặt của nhiều khách quý như bà Tiến sĩ ngôn ngữ học Vương Hồng Tâm; bà Trần Thị Thiệp – Phó trưởng Khoa giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Hà nội; ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; nghệ sĩ Nguyệt Thu - Đại sứ lắng nghe của doanh nghiệp xã hội vì người khiếm thính Việt Nam; bà Chử Thị Thanh Hương - Giám đốc của doanh nghiệp xã hội vì người khiếm thính Việt Nam và nhiều phụ huynh, trẻ em khiếm thính đến từ Chi hội Thái Nguyên, Chi hội Hà Nội, Chi hội Hưng Yên, Trường chuyên biệt Bình Minh Đông Anh....
Tại chương trình bà Nguyệt Thu đã không thể kìm nén được xúc động: "Hôm nay mình tham gia sự kiện này bằng chính tiếng đàn của mình vì đó là âm thanh của yêu thương. Mình có chơi hai bản nhạc là "Ngài nâng con lên" và "Tìm lại lời ru".Mình thấy có hai hoàn cảnh đều bị ảnh hưởng bởi âm thanh, nhưng nó đối nghịch nhau. Một bên là các con mất đi cơ hội được nghe âm thanh hạnh phúc, một bên các con bị những âm thanh làm căng thẳng, mình muốn những sự kiện như này sẽ giúp các con cân bằng. Thông điệp là chỉ có yêu thương chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn, chỉ có yêu thương thì các loại bệnh mới được chữa lành."
Tiết mục trình diễn áo dài bởi các bạn khiếm thính tại Chương trình
Bà Chử Thị Thanh Hương - Chủ tịch Hội Cha Mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam cho biết: Đây không chỉ là dịp để cộng đồng người khiếm thính, cha mẹ trẻ khiếm thính cùng nhau giao lưu, chia sẻ cách đồng hành cùng con trong cuộc sống, mà còn là cơ hội để mỗi người chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ "đôi tai" của mình và có cách chăm sóc thính lực cho bản thân, gia đình và cộng đồng đúng cách. "Một cộng đồng mà tôi mong muốn phát triển để hỗ trợ người khiếm thính tốt hơn, lâu dài hơn, không chỉ là vài chiếc tai nghe…mà đó là hành trình, để các bạn được trang bị kiến thức để tự tin bước ra cuộc sống, có được việc làm. Để có được việc đó, cần sự chung tay của cộng đồng… bởi khi các bạn không có phương tiện giao tiếp thì là khó khăn trong mọi khía cạnh của cuộc sống"- bà Hương nhấn mạnh.
Ông Đặng Văn Thanh cũng cho biết: Hiện nay ở Việt Nam có gần 8 triệu người khuyết tật, trong đó có hơn 800.000 trẻ em khuyết tật với gần 40.000 trẻ em khiếm thính. Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm trẻ em khuyết tật, sự quan tâm đó được thể hiện qua việc Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ trẻ em và đặc biệt đối với trẻ em khuyết tật. Cũng theo ông Thanh, hiện vẫn còn số lượng không ít trẻ khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt các trẻ ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Chính vì vậy, trong thời gian tới rất cần sự quan tâm của cộng đồng, xã hội, đặc biệt là các tổ chức người khuyết tật và vì người khuyết tật. Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đánh giá rất cao Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam trong những năm qua có nhiều chương trình chăm sóc, tư vấn các phụ huynh của trẻ khiếm thính có kỹ năng chăm sóc con, đặc biệt là các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ khiếm thính.
Các đại biểu thưởng lãm những bức tranh do các em khiếm thính vẽ
Tại chương trình đã diễn ra các hoạt động như: Trình diễn áo dài bởi các bạn khiếm thính, đấu giá tranh gây quỹ Hành trình âm thanh 2024, triển lãm tranh do trẻ khiếm thính vẽ, trải nghiệm làm sản phẩm thủ công từ vỏ mì tôm cùng các bạn khiếm thính, tìm hiểu về chăm sóc thính giác đúng cách… Qua đó, hiểu hơn về những khó khăn và sự nỗ lực của người khiếm thính trong cố gắng rút ngắn khoảng cách khác biệt, cùng nhau nâng cao cơ hội sống độc lập và hoà nhập cộng đồng cho người khiếm thính, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hà Loan