Chủ tịch SSI: Giá nhà đắt đỏ, giới trẻ rất khó mua nếu không có thu nhập thụ động
Nhịp Sống Trẻ

Theo Chủ tịch SSI, với giá nhà đất đắt đỏ như hiện tại, giới trẻ nếu không tìm đến các kênh đầu tư để mong muốn có thu nhập thụ động thì với lương đi làm, khả năng có thể mua được nhà là rất nhỏ.

Trên trang cá nhân Facebook, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI cho hay: "Với giá nhà đất đắt đỏ như hiện tại, giới trẻ nếu không tìm đến các kênh đầu tư để mong muốn có thu nhập thụ động thì với lương đi làm khả năng có thể mua được nhà là rất nhỏ. Một hiện trạng đáng để suy nghĩ!".

Dòng trạng thái trên được Chủ tịch SSI đưa ra trong bối cảnh giá nhà đất tại nhiều quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam đều tăng mạnh trong những năm gần đây.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI

Theo tờ New York Times, kể từ sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi tăng cao đến mức Chính phủ Trung Quốc đã ngừng công bố số liệu. Theo đó, quốc gia này đã xuất hiện "cơn sốt đầu tư" và giới trẻ tại đây điên cuồng lao vào thị trường chứng khoán, sinh viên dành toàn bộ học bổng để mua cổ phiếu, ai cũng sợ bỏ lỡ cơ hội, bất chấp rủi ro.

Liên hệ thực tế tại Việt Nam, câu chuyện giá nhà đất đắt đỏ cũng là một thách thức lớn đặt ra với nhiều người bao gồm người trẻ.

Theo CBRE Việt Nam, độ tuổi quyết định mua nhà đang dần thấp xuống, trước đây phần lớn người có nhu cầu mua nhà, đặc biệt đối với phân khúc cao cấp, là khách hàng có độ tuổi trung bình từ 35 - 45 thì trong giai đoạn gần đây độ tuổi những người mua căn nhà đầu tiên có xu hướng trẻ hoá, độ tuổi từ 27 - 30 tuổi. Tuy nhiên, giới trẻ tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội lại đang đối mặt với áp lực lớn từ việc giá bán căn hộ chung cư tăng mạnh trong năm 2024.

Báo cáo mới nhất từ Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing cho thấy, tính đến quý II/2024, mặt bằng giá căn hộ sơ cấp toàn thị trường Hà Nội trung bình đạt khoảng 65 triệu đồng/m2, tăng 25% theo quý và 29,8% theo năm. Trong đó, mức giá căn hộ tại khu Tây đang cao nhất toàn thị trường khoảng 70 triệu đồng/m2, mặt bằng giá khu Đông thấp hơn mặt bằng chung của thị trường, khoảng 56 triệu đồng/m2.

Điều này khiến nhiều gia đình trẻ, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình, khó có thể tiếp cận được nhà ở, gây ra căng thẳng tài chính và áp lực về chỗ ở​.

Theo đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thời gian qua, giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận. Có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân cơ bản là do nguồn cung căn hộ tại Hà Nội đang thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các gia đình trẻ còn rất lớn.

Có nhiều trường hợp, người mua quyết định vay ngân tiền ngân hàng để mua nhà khi công việc đang ổn định và thu nhập cao. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, lãi suất vay tăng lên đột ngột, thu nhập gặp khó khăn khiến nhiều người phải chấp nhận bán nhà với giá thấp để lấy tiền trả ngân hàng vì không đủ khả năng “gánh” lãi suất cao.

Nhiều người còn bày tỏ sự lo lắng về một thế hệ người trẻ không kết hôn, không sinh con chỉ vì giá nhà, đất tăng cao hiến họ khó "an cư, lạc nghiệp".