Theo Jay Zagorsky, một nhà kinh tế và giáo sư thị trường tại Trường Kinh doanh Questrom thuộc Đại học Boston (Mỹ), chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine có thể là điều duy nhất ngăn cản kinh tế Nga rơi vào suy thoái.
Nói với Business Insider, ông Zagorsky cho hay ngân sách quân sự lớn của Nga đang hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu của nước này. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời cho các vấn đề kinh tế ngày càng gia tăng của Moscow.
Những tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Điện Kremlin phải đối mặt bao gồm lạm phát tăng vọt và các vấn đề dai dẳng về tiền tệ và ngân sách.
Chiến sự Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 30 tháng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
"Nền kinh tế Nga hiện đang được hỗ trợ bởi số tiền lớn từ chi tiêu của chính phủ, vì vậy sẽ không có sự chậm lại trong bất kỳ lĩnh vực nào trong nền kinh tế bởi chính phủ Nga đang mua vật tư", ông Zagorsky nói.
Vị chuyên gia đồng thời chỉ ra rằng Điện Kremlin đang mua quân phục, giày, đạn dược và thực phẩm như một phần trong nỗ lực chiến sự tại lại Ukraine. "Vì vậy, nếu không có chiến sự, ồ vâng, tôi nghĩ sẽ có một cuộc suy thoái ngay lập tức", ông Zagorsky nhấn mạnh thêm.
Ông Yuriy Gorodnichenko, một nhà kinh tế và giáo sư tại Đại học California-Berkeley, cũng có cùng quan điểm về những rắc rối sắp xảy ra với Nga. Ông cho rằng trong khi chiến sự vẫn tiếp diễn, thời điểm suy thoái vẫn chưa chắc chắn.
Theo báo cáo, quốc gia này sẽ dành riêng một khoản kỷ lục 13,2 nghìn tỷ rúp (140 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng vào năm tới, điều này sẽ giúp kích thích nền kinh tế. "Tuy nhiên, loại chi tiêu khủng khiếp đó không thể tiếp tục mãi mãi", ông Gorodnichenko nhận định.
"Với tiền của chính phủ, họ có thể duy trì nền kinh tế, nhưng đến một lúc nào đó, chính phủ sẽ hết tiền, vì vậy họ sẽ phải dừng lại và họ sẽ suy thoái", ông nói thêm.
Theo ông Zagorsky, lạm phát là một trong những vấn đề lớn nhất mà Nga đang phải đối mặt. Theo Theo Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat), giá tiêu dùng vào tháng 8 đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Zagorsky suy đoán rằng lạm phát có thể còn nóng hơn thế nữa. Ngân hàng Nga đã tăng lãi suất lên 19% vào tháng 9, ghi nhận mức cao nhất kể từ khi chiến sự Ukraine bắt đầu. Điều này khiến các ngân hàng trung ương phải thực hiện các động thái chính sách khẩn cấp.
"Nền kinh tế Nga cũng đang bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tiền tệ", ông Gorodnichenko cho biết và chỉ ra rằng Nga không thể tiếp cận đồng USD do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều đó đã hạn chế khả năng giao dịch của Moscow, đặc biệt là đối với dầu thô và các sản phẩm thô, chiếm một phần đáng kể trong tổng doanh thu của nước này.
Nga đã chuyển sang các loại tiền tệ thay thế, như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, để củng cố bảng cân đối kế toán và duy trì hoạt động thương mại. Nhưng hiện tại, ngay cả đồng nhân dân tệ cũng đang thiếu hụ, khi các công ty Trung Quốc ngày càng ngần ngại làm ăn với Nga vì sợ bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp từ Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.
"Nga đang bán ít hàng hơn cho Trung Quốc hoặc nhận được ít hơn cho các sản phẩm họ bán sang Trung Quốc. Tất cả đều là những yếu tố góp phần gây ra các vấn đề kinh tế ở Nga", ông Gorodnichenko cho biết.
Trước đó, nhà kinh tế này từng dự đoán Nga có thể chứng kiến một cuộc suy thoái nghiêm trọng vào năm tới nếu quốc gia này hết USD.
Ông cho biết, không rõ liệu điều đó có xảy ra trong năm tới hay không, mặc dù ông lưu ý rằng doanh thu từ dầu mỏ của quốc gia này đã giảm khi chi tiêu quân sự tăng lên. Một phần là do giá dầu thô toàn cầu giảm.
"Nga không chỉ phải đối mặt với nhu cầu giảm đối với sản phẩm của mình mà còn phải đối mặt với sự sụt giảm khá mạnh về giá. Đây giống như một cú đúp", ông Zagorsky nói. "Với tôi, đây là một câu chuyện khá đơn giản. Câu hỏi đặt ra là nền kinh tế Nga có thể tiếp tục hoạt động trong bao lâu trước những cơn gió ngược lớn này?", ông đặt ra câu hỏi.
Cả hai nhà kinh tế Zagorsky và Gorodnichenko đều không thể nói cụ thể khi nào thì Nga có thể bắt đầu suy thoái. Cuối cùng, điều đó sẽ phụ thuộc vào thời gian chiến sự ở Ukraine và do đó, chi tiêu cho chiến sự sẽ kéo dài bao lâu.
Ông Gorodnichenko đang theo dõi chặt chẽ liệu Nga có tiếp tục tăng tiền thưởng ký kết cho những người lính được tuyển dụng hay không. Ông nói rằng nếu tiền thưởng tăng, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy quốc gia này đang cạn kiệt lao động và nền kinh tế đang quá nóng.