TS Võ Trí Thành khẳng định, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế, cần xây dựng một tầm nhìn chiến lược toàn diện, kết hợp giữa nỗ lực tự thân của doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Đại bộ phận DN tư nhân vẫn là doanh nghiệp nhỏ
Hiện nay, khu vực kinh tế ngoài nhà nước (có thể coi là kinh tế tư nhân) đóng góp khoảng 50% GDP; khoảng 56% tổng đầu tư xã hội (FDI 16% và khu vực kinh tế nhà nước 28%); 28-30% tổng kim ngạch xuất khẩu; tạo hơn 82% công ăn việc làm xã hội.
Tại toạ đàm đột phá thể chế, phát huy nguồn lực kinh tế tư nhân nhằm phát triển khoa học công nghệ do Viện nghiên cứu chiến lược kinh tế tổ chức, PGS. TS Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược kinh tế cho rằng, kinh tế tư nhân đang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Đại bộ phận doanh nghiệp tư nhân vẫn là doanh nghiệp nhỏ.
TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã đóng góp hơn ½ nền kinh tế.
Tuy vậy, tuyệt đại bộ phận là hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực hội nhập còn thấp, thấp hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp FDI. Đến nay, mặc dù đã xuất hiện một nhóm doanh nghiệp quy mô lớn mang tính quốc gia nhưng vẫn còn rất ít doanh nghiệp hay tập đoàn quy mô khu vực và quốc tế.
“Đã có nhiều đánh giá, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không muốn lớn hoặc không thể lớn lên được. Số đã lớn lên được như Vingroup, Sungroup, Thaco Trường Hải, Hòa Phát… rất ít ỏi và ngoại lệ; chưa có tập đoàn khu vực chứ chưa nói đến đa quốc gia, có sở hữu công nghệ lõi”, ông Cung nói.
Lý giải nguyên nhân vì sao doanh nghiệp Việt không muốn lớn lên, ông Cung cho rằng vì tại những thời điểm bước ngoặt cần mở rộng và phát triển kinh doanh, họ không tiếp cận được đất đai, không huy động được số vốn đủ lớn, không tiếp cận và nắm bắt được công nghệ phù hợp, đủ hiện đại để tận dụng cơ hội kinh doanh và bứt phá, phát triển.
“Mặt khác, họ không muốn lớn vì họ ưa chuộng hình thức kinh doanh phi chính thức, nửa chính thức như hộ kinh doanh cá thể hơn là hình thức kinh doanh theo các loại hình doanh nghiệp chính thức, chính quy có đăng ký. Ngay cả đối với doanh nghiệp có đăng ký, không ít trong số đó cũng sử dụng 2-3 sổ sách kế toán.
Sự ưa chuộng phi chính thức, lo sợ trước công khai, minh bạch, nhất là trong tài chính - kế toán, cũng là lý do của thực trạng vừa không muốn lớn, vừa không thể lớn được.
Doanh nghiệp không thể trở nên hiện đại và phát triển bền vững từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn, từ địa phương, quốc gia ra khu vực và toàn cầu nếu tiếp tục xu hướng thiên về phi chính thức, thiếu minh bạch kéo dài như hiện tại.
Đây có thể là văn hóa kinh doanh, nhưng nhà nước cần truyền thông, giúp đỡ, hỗ trợ, đặc biệt tạo ra thể chế luật pháp dễ thực thi, dễ tuân thủ để những ai tuân thủ đúng, thực thi đủ thì có lợi nhiều hơn so với người khác”, ông Cung nói.
Kinh tế tư nhân là hạt nhân của đổi mới sáng tạo
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) khẳng định trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công còn hạn chế, việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành trụ cột chính của nền kinh tế là nhiệm vụ cấp thiết và mang ý nghĩa chiến lược.
Kinh tế tư nhân là hạt nhân của đổi mới sáng tạo.
Theo đó, khu vực kinh tế tư nhân không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là hạt nhân của sự đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Để khu vực kinh tế tư nhân có thể đảm nhận vai trò này, ông Thành cho rằng trước hết, cần tập trung xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và tiên liệu được. Các cải cách thể chế cần đặt trọng tâm vào việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản, giảm bớt sự méo mó trong các thị trường nhân tố sản xuất như vốn, lao động và đất đai, đồng thời cải thiện tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Ngoài ra, thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những bước đi không thể thiếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và các yêu cầu về phát triển bền vững toàn cầu.
Cùng với đó, việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là yếu tố quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) cũng như startups trong quá trình phát triển. Các cơ chế khuyến khích đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, cung cấp vốn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là những chính sách cần được thực thi mạnh mẽ.
Một khía cạnh quan trọng khác là tăng cường hợp tác công-tư (PPP) trong các lĩnh vực chiến lược như cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và công nghệ cao. Hợp tác này không chỉ huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực quản trị và tham gia sâu hơn vào các dự án lớn, qua đó tăng cường vị thế của khu vực tư nhân trong nền kinh tế.
Cuối cùng, ông Thành khẳng định để khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế, cần xây dựng một tầm nhìn chiến lược toàn diện, kết hợp giữa nỗ lực tự thân của doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Về phần mình, TS Nguyễn Đình Cung khẳng định từ năm 2021, đóng góp cụ thể của hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp không được Tổng cục Thống kê công bố chính thức. Theo thông tin không chính thức từ Tổng cục Thống kê, khối doanh nghiệp đóng góp khoảng 28% GDP, khối hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp đóng góp khoảng 12% GDP, hộ sản xuất nông nghiệp khoảng 10% GDP.
Vì vậy, cơ quan thống kê cần có định nghĩa rõ, nhất quán về kinh tế tư nhân tính toán và công bố các số liệu liên quan về khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế để theo dõi, đánh giá và có các giải pháp chính sách tương ứng cho từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã kết luận, khẳng định: Khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Trước yêu cầu này, một số vấn đề cần đặt ra để thúc đẩy khu vực này, đặc biệt trong bối cảnh dự thảo Nghị quyết về kinh tế tư nhân đang được gấp rút soạn thảo.