Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon có thể được hình thành từ nhiều loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, bời lời, mít, cà phê nếu được khảo sát và xác lập theo tiêu chí từ đối tác.
Thị trường carbon trên thế giới đang có nhu cầu cao với giá cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt vấn đề này và trở thành cầu nối để các địa phương có được nguồn vốn xanh từ rừng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Môi trường và Cuộc sống
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã nhận được công văn của Công ty TNHH đầu tư FDI Việt Nam về việc khảo sát, nghiên cứu và đầu tư dự án “xác lập và khai thác tín chỉ carbon từ rừng tại tỉnh Lâm Đồng”.
Theo đó, Công ty TNHH đầu tư FDI Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Lâm thông tin trong quá trình làm việc với các đối tác trong và ngoài nước, doanh nghiệp nhận thấy rằng Việt Nam vẫn có nhu cầu rất cao về việc xác lập tín chỉ carbon. Với lợi thế từ rừng và vườn cây công nghiệp, Lâm Đồng có thể bán cho khách mua tín chỉ carbon với giá thành cạnh tranh.
Doanh nghiệp này cũng cho biết LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 10USD/1 tấn CO2 (1 tín chỉ carbon) trong giai đoạn 2022-2026.
Khu vực Tây Nguyên đang sở hữu rất nhiều loại cây trồng dài ngày có thể khai thác phục vụ bán tín chỉ carbon. Điều này cũng đòi hỏi các tỉnh trong khu vực phải quy hoạch vùng trồng, để người nông dân có thể hưởng lợi từ nhiều nguồn thu nhập.
Tại Tây Nguyên, riêng diện tích cao su đạt 251.348 ha, trong đó có 139.115 ha đã được khai thác mủ. Đồng thời, khu vực này có 220 dự án chuyển đổi từ rừng nghèo kiệt và đất lâm nghiệp sang việc trồng cây cao su, với tổng diện tích là 73.131 ha. Tiếp đến là diện tích cây điều với hơn 70.000 ha, diện tích cây bời lời hàng chục ngàn ha và sau cuối là diện tích mít. Các doanh nghiệp vẫn có thể khoanh vùng, xác lập tín chỉ carbon để bán trên thị trường.
Theo nhiều chuyên gia, các tín chỉ carbon có thể được được xác lập từ các diện tích trồng cây rừng lâu năm như đàn hương và cây ngắn ngày như dâu tằm, đẳng sâm... hay những vườn cao su, điều, bời lời, mít, cà phê cũng có thể được xác lập tín chỉ carbon.
Việc tăng thu nhập và các giá trị cho các chủ rừng sẽ khuyến khích công tác bảo vệ rừng và trồng rừng có hiệu quả hơn.
Theo dự báo, thị trường carbon toàn cầu sẽ đạt 2,4 ngàn tỷ USD vào năm 2027. Đồng thời, quy mô của thị trường này sẽ tiếp tục tăng vào những năm tiếp theo khi ngày càng có nhiều quốc gia cam kết giảm phát thải để tiến đến net zero. Vì thế, Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường carbon thế giới để chào bán tín chỉ carbon nông nghiệp và tín chỉ carbon rừng.
An Mai (t/h)