Cần giải pháp mạnh mẽ để “hóa xanh ô nhiễm trắng” trong thương mại điện tử
Kinh Doanh

Sự phát triển của mua hàng trực tuyến mang theo hệ lụy rác thải khổng lồ trong khâu giao-nhận, làm gia tăng "ô nhiễm trắng". Cần các giải pháp mạnh mẽ để tăng cường bảo vệ môi trường, góp phần xanh hoá logistics.

Ô nhiễm trắng là loại ô nhiễm môi trường do túi nilon và chất thải nhựa gây ra. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm trắng tại Việt Nam đang ở mức báo động. Nước ta cũng là một trong những quốc gia trên thế giới có lượng rác thải nhựa và túi nilon ngày càng gia tăng và khó kiểm soát.

Cần giải pháp mạnh mẽ để “hóa xanh ô nhiễm trắng” trong thương mại điện tử- Ảnh 1.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Thống kê cho thấy, nếu trung bình 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa này có thể đạt gần 2,5 triệu tấn/năm. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường lẫn sức khỏe con người.

Đặc biệt, những năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Sự tăng trưởng đó đã kéo theo sự gia tăng lượng rác thải nhựa "khổng lồ".

Theo tính toán của nhóm chuyên gia tư vấn Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn.

Bên cạnh đó, thói quen sử dụng bao bì nhựa thay cho hộp carton trong khâu đóng gói hàng hóa thương mại điện tử nhằm tiết kiệm chi phí bao bì và vận chuyển đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều người bán hàng lạm dụng bao bì quá mức cần thiết, chèn thêm màng xốp hoặc túi ni lông cũng khiến cho lượng rác thải dễ gây ô nhiễm nhựa ngày một gia tăng.

Thực tế, không phải người bán hàng nào cũng chuyên nghiệp trong khâu đóng gói. Điều đó không chỉ gây hoang phí trong khâu sử dụng bao bì không cần thiết mà còn thải ra môi trường rác thải nhựa khó xử lý. Một số chuyên gia còn chỉ ra, việc chọn chất liệu đóng gói không thân thiện với môi trường cũng khiến cho "ô nhiễm trắng" thêm gia tăng.

Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm có thể tới năm 2030 quy mô thương mại điện tử nước ta sẽ gấp trên 4,7 lần. Nếu không có các giải pháp mạnh mẽ về đóng gói hàng hóa thì khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn/năm.

Để “hóa xanh ô nhiễm trắng”, nhiều giải pháp cần phải sớm đặt ra. Nhất là khi bình quân mỗi tháng, một gia đình sử dụng khoảng 1kg túi ni lông. Trong đó, không thể thiếu sự hợp tác từ người bán hàng đến các trợ lực giải pháp từ đơn vị giao hàng, chuyển phát.

Tại Hội thảo “Rác thải nhựa từ thương mại điện tử”, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, để phát triển thương mại điện tử bền vững cần ưu tiên và có chính sách hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử; xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp thương mại điện tử xanh, mô hình thương mại điện tử bền vững.

Đồng thời, chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp và người bán hàng trong thương mại điện tử áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường; ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc các sản phẩm đóng gói có thể phân hủy sinh học, giảm thiểu lượng rác thải.

An Mai (t/h)