Cần định vị Việt Nam là điểm đến của du lịch MICE
Kinh Doanh

Du lịch MICE có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, tạo sức lan tỏa về điểm đến, song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự bài bản, tính kết nối, chọn lọc điểm đến, sản phẩm trải nghiệm… để hướng đến phát triển du lịch MICE chuyên nghiệp, bền vững.

Tại Việt Nam, theo ước tính của các doanh nghiệp trong nước, khách du lịch MICE ở các công ty lữ hành chiếm trung bình 15 - 20% tổng lượng khách và lên đến 60% tại một số đơn vị lớn trong những tháng cao điểm. Khách du lịch MICE châu Âu chiếm khoảng 20% và là dòng khách cao cấp, mức chi tiêu 700 - 1.000 USD/ngày; khách châu Á chi tiêu hơn 400 USD/ngày.

Cần định vị Việt Nam là điểm đến của du lịch MICE- Ảnh 1.

Các chuyên gia đánh giá nước ta có nhiều tiềm năng để thu hút du lịch MICE và đây được xác định là hướng đi quan trọng của ngành. 

Thực tế, thời gian qua các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã tích cực đẩy mạnh loại hình này. Đầu tháng 3/2024, TP. Hồ Chí Minh được vinh danh Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á lần thứ tư liên tiếp tại Giải thưởng Du lịch MICE thế giới năm 2023 tổ chức tại Đức. Tháng 7 vừa qua, thành phố đã đón 500 khách du lịch MICE từ Ấn Độ tham quan du lịch và dự hội nghị. Thành phố cũng đón nhiều đoàn khách du lịch MICE từ các nước trên thế giới với hàng trăm khách mỗi đoàn. 

6 tháng đầu năm nay, Bình Định tổ chức hơn 132 hội nghị, hội thảo thu hút trên 30.700 lượt khách. Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đã tham mưu UBND thành phố triển khai chương trình xúc tiến thu hút khách du lịch MICE.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện còn thiếu các nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp và ngay cả các khu du lịch, thậm chí khách sạn lớn, cũng không đủ cơ sở hạ tầng, ví dụ thiếu trung tâm hội nghị với sức chứa lớn.

Thêm nữa, việc quảng bá du lịch nhìn chung vẫn chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến thu hút khách du lịch MICE. Với tiềm năng của Việt Nam, chúng ta có đủ điều kiện để phát triển MICE, tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa định vị được điểm đến, không có kế hoạch truyền thông, xúc tiến điểm đến…

Nhiều chuyên gia cho rằng, để định vị Việt Nam là điểm đến của du lịch MICE, trước tiên cần phát triển hạ tầng quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, để từ đó dẫn dắt các dịch vụ liên quan khác. Theo đó, phải có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, cụ thể là hệ thống khách sạn quy mô lớn, dịch vụ trải nghiệm... cũng như đội ngũ tổ chức sự kiện. Có sự gắn kết giữa doanh nghiệp, các khu du lịch với các hãng vận chuyển như đường hàng không, đường bộ, đường thủy để tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức. Khâu tuyên truyền, quảng bá phải có định hướng rõ ràng với nhóm khách này.

Quy hoạch cần đi trước đón đầu. Theo đó, các địa phương cần quy hoạch những khu vực có thể phát triển loại hình du lịch này và có chính sách kêu gọi đầu tư, phát triển chuỗi dịch vụ lưu trú, giải trí..., tránh cạnh tranh không lành mạnh, gây lãng phí. Phải kết hợp các tour du lịch để tạo ra sự liên kết để các doanh nghiệp trong cùng địa bàn đều thụ hưởng lợi ích từ du lịch MICE.

Một điều quan trọng cần có cho sự "cất cánh" của ngành du lịch MICE Việt Nam trong thời gian tới là vấn đề nhân sự. Nhân sự trong lĩnh vực này cần phải chuyên nghiệp và chuyên môn hoá. Hiện nay, nhìn vào mặt bằng đào tạo ở Việt Nam, thấy rằng nhân sự chuyên nghiệp cho MICE rất yếu và thiếu chuyên môn, hầu như không có trường đào tạo. Không có một trường đại học nào ở Việt Nam đào tạo về du lịch có đào tạo chuyên sâu về MICE hay sự kiện (Event).

Nhìn chung, để phát triển du lịch MICE chuyên nghiệp, bền vững, ngành du lịch cần có chương trình phát triển du lịch MICE bài bản, xây dựng các sản phẩm đặc thù, đẩy mạnh xúc tiến quốc tế; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu và có sự chung tay của nhiều cơ quan, ban, ngành và doanh nghiệp.

Minh An (t/h)