Cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, nhưng theo Tổng cục Thống kê, chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến sản xuất của nhiều tập đoàn toàn cầu. Theo giới chuyên gia, việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất là cần thiết với doanh nghiệp Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đầu Tư
Tuy nhiên, mặc dù chuỗi cung ứng đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.
Còn theo Tổng cục Thống kê, trong gần 1 triệu doanh nghiệp trên cả nước, chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp (DN) thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tức chỉ chiếm 0,001% tổng doanh nghiệp cả nước.
Tại diễn đàn kinh doanh "Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp” chiều 26/6 tại Hà Nội, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho biết hiện Việt Nam đang có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Tuy nhiên trong số khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này, có khoảng 100 doanh nghiệp trong nước là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia; khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai, cấp ba…
Như vậy, sau gần 40 năm phát triển doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam thực sự trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu là rất thấp.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong khoảng 800.000 DN tư nhân trong nước đang hoạt động, DN lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Trở ngại chính của các DN nhỏ và vừa (DNNVV) là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính hạn chế. Trong khi đó, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động của các DN FDI với các DN trong nước còn rất hạn chế. Hiện đã có những DN ngành ô tô, xe máy và điện tử trong nước hội nhập thành công, tuy nhiên con số còn rất khiêm tốn.
Một điểm nghẽn nữa là yêu cầu về sản xuất xanh từ thị trường quốc tế ngày càng cao, buộc các quốc gia khác khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải đẩy nhanh quá trình xanh hoá sản xuất.
Để đáp ứng những yêu cầu trên, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều, trong khi đầu tư đòi hỏi nguồn vốn rất lớn và phải liên tục đáp ứng yêu cầu của đầu chuỗi. Hơn nữa, để bỏ ra số tiền vốn lớn, doanh nghiệp phải có niềm tin rất lớn vào môi trường kinh doanh, khi họ đầu tư sẽ là an toàn, sẽ không có quá nhiều sự thay đổi về cơ chế chính sách, không có sự thay đổi về quy định pháp luật.
Ngoài những rào cản đã được nêu, ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương, Bộ Công Thương, cho biết thêm, quá trình thực thi, như nhận thức, tư duy, cách nghĩ, tầm nhìn của các nhà làm chính sách chưa được triệt để, thiếu minh bạch và bình đẳng, thiếu tính ổn định, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu chặt chẽ trong.
Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng thực thi không hiệu quả. Chưa có những cơ chế, chính sách riêng cho khuyến khích phát triển logistics xuất khẩu.
Tiếp đó, các chính sách về nguồn lực cần thiết để phát triển xuất khẩu còn thiếu hụt. Sản xuất nguyên liệu, thiết kế, phân phối chưa đồng bộ. Chuỗi sản xuất, xuất khẩu còn gặp vướng mắc theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nhận thức và năng lực thực thi chính sách thúc đẩy xuất khẩu từ phía các doanh nghiệp cũng là hạn chế.
Bởi thế, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương đề nghị cần định hướng hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đầu tiên là tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường, đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu.
Thứ hai là xây dựng và phát triển các thương hiệu. Nhận thức cho các doanh nghiệp về lao động, môi trường… trong các FTAs.
Cuối cùng, nâng cao quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại và doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Thứ tư, xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường... để bảo vệ sản xuất trong nước.
Minh An (t/h)