Cả nước có hơn nửa triệu quán cà phê
Kinh Doanh

Thị trường kinh doanh quán cà phê tại Việt Nam hiện đang rất nhộn nhịp với sự có mặt của hàng chục thương hiệu, cùng sự đa dạng về loại hình.

Theo báo cáo của Mibrand, cả nước hiện có hơn 500.000 quán cà phê, từ những quán nhỏ lẻ trong các ngõ phố cho đến các chuỗi cà phê hiện đại.

Điều này không chỉ phản ánh sự phổ biến của cà phê trong đời sống người Việt mà còn cho thấy sự đa dạng hóa trong cách thức kinh doanh cà phê, từ truyền thống đến hiện đại. Một trong những đặc điểm nổi bật của thị trường cà phê Việt Nam là sự phong phú trong loại hình quán cà phê.

Cả nước có hơn nửa triệu quán cà phê- Ảnh 1.

Thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam đang được dẫn đầu bởi 5 thương hiệu lớn.

Bên cạnh các quán cà phê truyền thống mang đậm phong cách đường phố, thị trường cũng ghi nhận sự xuất hiện ngày càng nhiều của các quán cà phê có thương hiệu độc lập với thiết kế ấn tượng và đồ uống chất lượng.

Theo số liệu theo thống kê của Mibrand, hiện tại, thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam đang được dẫn đầu bởi 5 thương hiệu lớn, bao gồm Highland Coffee, Trung Nguyên e-coffee, The Coffee House, Phúc Long và Katinat. Tính đến ngày 14/8, Highland Coffee dẫn đầu với con số khoảng 800 cửa hàng trên toàn quốc, phản ánh nỗ lực không ngừng trong việc mở rộng quy mô và phủ sóng thị trường.

Trung Nguyên e-coffee với mô hình nhượng quyền đứng thứ hai với 676 cửa hàng. Chuỗi này cũng đang tích cực mở rộng mạng lưới. Phúc Long vừa có cửa hàng lẫn hệ thống kiosk đứng sau. Hiện tại, Phúc Long có 174 cửa hàng trên toàn quốc và số lượng kiosk đạt con số 62. Mặc dù đang co hẹp quy mô so với năm 2023 nhưng The Coffee House vẫn sở hữu quy mô lên tới 115 cửa hàng.

Có thể thấy, các tên tuổi dẫn đầu thị trường đều là thương hiệu nội địa, phần nào cho thấy tính địa phương rất cao trong ngành đồ uống tại Việt Nam. Ngay cả Starbucks, dẫu thống trị trên thế giới nhưng vào Việt Nam hơn 10 năm cũng không đủ sức đánh bật các thương hiệu nội địa.

Trong khi đó, mô hình quán cà phê nhỏ lẻ vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc phục vụ khách hàng tại các khu dân cư, đặc biệt là ở những khu vực không có sự hiện diện của các thương hiệu lớn. Sự phát triển này đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thị trường cà phê Việt Nam, tạo ra một bức tranh đa sắc màu và sống động.

Cả nước có hơn nửa triệu quán cà phê- Ảnh 2.

Thị trường cà phê Việt Nam đang có sự phân hóa rõ rệt giữa hai mô hình quán cà phê chính: coffee-based và tea-based.

Mibrand cho biết, thị trường cà phê Việt Nam đang có sự phân hóa rõ rệt giữa hai mô hình quán cà phê chính: coffee-based và tea-based. 

Coffee-based bao gồm các chuỗi như Highlands Coffee và The Coffee House, tập trung vào các loại cà phê truyền thống và hiện đại. Trong khi đó, tea-based như Phúc Long, Phê La, Katinat lại nổi bật với các sản phẩm trà và đồ uống ngọt.

Khảo sát khách hàng của Mibrand cho thấy 45% người tiêu dùng trẻ lựa chọn cà phê truyền thống và 39% lựa chọn cà phê pha máy. Các quán cà phê vốn là địa điểm lý tưởng cho mục đích học tập và làm việc, do đó, sản phẩm cà phê vẫn có một nhu cầu mạnh mẽ nhằm cung cấp sự tỉnh táo cho khách hàng.

Bên cạnh đó, trà sữa chiếm tỷ lệ lựa chọn cao nhất, lên đến 49%, và các sản phẩm làm từ trà cũng chiếm tỷ lệ cao không kém. Điều này phản ánh sự ưa chuộng của nhóm khách hàng trẻ đối với các thức uống ngọt, có hương vị đa dạng kèm theo sự thanh mát của trả.

Sự đa dạng về loại hình các quán cà phê đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Báo cáo của Mibrand dự báo, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 7,56%, thị trường kinh doanh quán cà phê Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động trong những năm tới, là mảnh đất màu mỡ nhưng cũng đầy thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành.

Minh An (t/h)