Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) vừa chính thức ấn định ngày 30-7 cho sự kiện phóng vệ tinh quan sát Trái đất chung mang tên NISAR. Đây được xem là cột mốc quan trọng trong hợp tác không gian ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Ấn Độ, giúp con người nắm được nhiều dữ liệu quan trọng về Trái đất.

Đột phá và miễn phí

NISAR (viết tắt của NASA-ISRO Synthetic Aperture Radar) là vệ tinh đầu tiên trên thế giới được trang bị cả hai loại radar khẩu độ tổng hợp (SAR) sử dụng băng tần L và S. Nhờ đó, vệ tinh có khả năng quét gần như toàn bộ bề mặt đất liền và băng trên Trái đất với tần suất 2 lần mỗi 12 ngày, giúp theo dõi những thay đổi dù là nhỏ nhất của hành tinh. NISAR sẽ được phóng từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan - cơ sở phóng chính của ISRO nằm ven biển Đông Nam Ấn Độ, bằng một tên lửa đẩy địa tĩnh của ISRO.

Hình ảnh mô phỏng vệ tinh NISAR. Ảnh: NASA
Hình ảnh mô phỏng vệ tinh NISAR. Ảnh: NASA

Với hệ thống radar tiên tiến nhất, NISAR sẽ tạo ra nhiều dữ liệu hơn mỗi ngày so với bất kỳ vệ tinh Trái đất nào trước đây của cả hai cơ quan này. Các radar sẽ tạo ra khoảng 80 terabyte dữ liệu mỗi ngày trong suốt sứ mệnh chính của NISAR.

Lượng dữ liệu này gần đủ để lấp đầy khoảng 150 ổ cứng 512 gigabyte mỗi ngày. Thông tin sẽ được xử lý, lưu trữ và phân phối qua đám mây và tất cả mọi người đều có thể truy cập. Theo NASA, dữ liệu thu được từ NISAR sẽ cung cấp miễn phí cho người dùng toàn cầu, với nhiều ứng dụng quan trọng.

Đa dụng

Đặc điểm nổi bật của NISAR là phát hiện những thay đổi trên bề mặt hành tinh với độ chính xác đến từng milimét. NISAR có khả năng “nhìn xuyên” mây và mưa, cả ngày lẫn đêm, cho phép người dùng dữ liệu liên tục theo dõi các khu vực dễ xảy ra động đất và lở đất, đồng thời xác định tốc độ thay đổi của sông băng và các tảng băng. Vệ tinh cũng sẽ cung cấp những thông tin chưa từng có về Nam cực, giúp nghiên cứu cách các tảng băng của lục địa này thay đổi theo thời gian.

Cũng nhờ dữ liệu từ NISAR, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách lập kế hoạch ứng phó với các mối nguy hiểm về thiên tai và nhân tai, hạn chế rủi ro cho tính mạng và tài sản. Với khả năng quan sát những thay đổi nhỏ trên bề mặt Trái đất, NISAR có thể hỗ trợ các nỗ lực giám sát mối nguy hiểm và có khả năng giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm thời gian chuẩn bị cho một thảm họa có thể xảy ra.

Ví dụ, NISAR sẽ cung cấp thông tin chi tiết về phần nào đứt gãy di chuyển chậm mà không gây ra động đất, phần nào bị kẹt lại với nhau và có khả năng trượt gây ra động đất. Vệ tinh này sẽ có thể theo dõi khu vực xung quanh hàng ngàn ngọn núi lửa, phát hiện chuyển động trong lòng đất và cảnh báo dấu hiệu trước một vụ phun trào.

Khi nói đến cơ sở hạ tầng như đê, cống dẫn nước và đập, dữ liệu NISAR được thu thập theo thời gian có thể giúp các nhà quản lý phát hiện tác động từ chuyển động của lòng đất đối với các công trình quan trọng, sau đó đánh giá tính toàn vẹn của các công trình đó.

NISAR còn “nhìn” xuyên sâu vào các tán rừng, cung cấp thông tin chi tiết về cấu trúc rừng, trong khi radar băng tần S lý tưởng để theo dõi cây trồng. Dữ liệu NISAR sẽ giúp các nhà nghiên cứu đánh giá sự thay đổi của rừng, đất ngập nước, khu vực nông nghiệp và lớp đất đóng băng vĩnh cửu theo thời gian.

HUY QUỐC