Theo Bộ Tài chính, Việt Nam hiện đạt mức tương đồng với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới khi bắt đầu phát triển đường sắt tốc độ cao. Với quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện nay, vốn để đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao không còn là trở ngại.
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thống nhất chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Dự kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án này.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo Bộ Giao thông vận tải, tuyến đường sát tốc độ cao Bắc Nam có chiều dài 1.541 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, kết hợp kinh tế với an ninh- quốc phòng, giữa vận tải hành khách là chủ yếu và vận tải hàng hóa nhanh khi có nhu cầu, với tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỷ USD, kế hoạch hoàn thành vào năm 2035.
Nhìn thẳng thực tế, nay là thời điểm chín muồi để chúng ta đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam. Được biết, thai nghén đã gần 20 năm. Dự án được bàn thảo, tính toán dựa trên những điều kiện thực tế, nay chúng ta mới có cơ sở để triển khai. Sự cần thiết và nhu cầu thực tế đã rất rõ ràng, nhưng nay các chỉ số của nền kinh tế đã vững mạnh hơn, cho phép chúng ta thực hiện quyết tâm này.
Theo Bộ Tài chính, với tổng sản phẩm trong nước năm nay ước đạt trên 465 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm 2010, nợ công chỉ khoảng 37% tổng sản phẩm trong nước và thu nhập bình quân đầu người ước vượt 4.500 USD vào cuối năm nay. Việt Nam hiện đạt mức tương đồng với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới khi bắt đầu phát triển đường sắt tốc độ cao.
Với số vốn bình quân cho dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao khoảng 5,6 tỷ USD mỗi năm, đến năm 2030 nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia so với tổng sản phẩm trong nước đều thấp hơn ngưỡng cho phép từ 5 đến 15%. Như vậy, với quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện nay, vốn để đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao không còn là trở ngại.
Việc đầu tư đường sắt tốc độ cao sẽ giúp hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, bền vững, phát huy tối đa lợi thế của các phương thức vận tải trên hành lang Bắc - Nam, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế và bảo vệ môi trường. Đây cũng là giải pháp hợp lý và cấp thiết ở thời điểm hiện nay trong việc thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Hành lang kinh tế Bắc Nam kết nối 20 tỉnh, thành phố là hành lang kinh tế quan trọng nhất của cả nước khi đóng góp trên 50% GDP. Do vậy, đầu tư đường sắt tốc độ cao hiện đại sẽ giúp thúc đẩy và tạo đà bứt phá cho tuyến hành lang kinh tế này.
Những toa xe đường sắt hiện tại được khai thác từ những năm 50-60. Những chiếc mới hơn cũng từ những năm 70. Ngành đường sắt hiện có hơn 1.400 toa xe hàng và gần 170 toa xe khách đã khai thác hơn 40 năm, trong đó nhiều cái đã hết niên hạn. Các đầu máy cũng không khá hơn khi một số thiết bị đã được đại tu tới lần thứ ba và không thể mua vật tư, phụ tùng thay thế do đã dừng sản xuất.
Nhu cầu vận tải tới năm 2050 của đường sắt là vận tải hàng hoá bằng đường sắt khoảng 18,2 triệu tấn/năm; vận tại hành khách là 119,4 triệu lượt hành khách/năm.
Đã đến lúc chúng ta cần phải có ngay một tuyến đường sắt tốc độ cao, hiện đại, vận chuyển khối lượng lớn, mới có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng cao.