Tính đến hết tháng 10/2024, lượng giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT ước đạt gần 47.800 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch được giao. Dự kiến kết thúc năm 2024, Bộ Giao thông vận tải giải ngân đạt 99,7% kế hoạch.
Tại buổi Tọa đàm “Giải ngân vốn đầu tư công” do Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính tổ chức, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 71.288 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao thêm cho Bộ GTVT 1.240 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và dự kiến Bộ GTVT sẽ được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung thêm 2.954 tỷ đồng cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn. Như vậy, năm 2024, Bộ GTVT dự kiến được giao khoảng 75.482 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 10/2024, Bộ GTVT đã giải ngân được 47.759 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. Trước đó, báo cáo đến hết tháng 9/2024, giá trị giải ngân của Bộ GTVT đạt 43.188 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Như vậy, sau khoảng 1 tháng, sản lượng giải ngân của Bộ GTVT tăng gần 4.600 tỷ đồng. Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn là nhóm dự án chiếm tỷ trọng giải ngân lớn trong kết quả giải ngân chung của Bộ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo báo cáo của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ GTVT dự kiến năm 2024 sẽ giải ngân được khoảng 75.228 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao là giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao.
Để có được kết quả này, toàn ngành giao thông đã nỗ lực rất lớn. Bởi lẽ, ngành giao thông thực hiện nhiều dự án trọng điểm quốc gia và cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ giải ngân.
Khó khăn đó là, trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng phải trải qua nhiều khâu, nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa…
Tiếp đến là các khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Đây chính là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án.
Ngoài ra là các khó khăn về vật liệu xây dựng. Mặc dù Bộ GTVT được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ nên đã giảm bớt nhiều thủ tục. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn còn vướng mắc, chậm được giải quyết, đặc biệt trong việc cấp phép, nâng công suất các mỏ, làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.
Một khó khăn nữa là thời tiết ngày càng bất thường, rất khó dự báo, trong khi các dự án của Bộ GTVT trải dài khắp mọi miền đất nước và mùa mưa lũ đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.
Huyền My (t/h)