Bất động sản là ngành chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất
Chứng Khoán

Từ nay đến hết năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đến hạn là gần 79 nghìn tỷ đồng. Bất động sản là ngành chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, chiếm đến 43%, tương ứng 34 nghìn tỷ đồng.

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 4/10/2024, tổng giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ là 750.000 tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 144.044 tỷ đồng, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 72,5% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng khoảng 104.444 tỷ đồng.

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quí 4/2024 chiếm khoảng 42% tổng giá trị đáo hạn năm 2024, tương ứng 78.878 tỷ đồng. Trong số này có 43,5% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 34.317 tỷ đồng. Theo sau là nhóm ngân hàng với gần 8.500 tỷ đồng (chiếm 10,8%).

Bất động sản là ngành chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất- Ảnh 1.

Áp lực đáo hạn trái phiếu trong quý 4 ở mức cao nên nhiều doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục tái phát hành để huy động vốn trong quý 4. Ảnh: Int

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2025 cũng không nhỏ với tổng giá trị đáo hạn là gần 180 nghìn tỷ đồng, chỉ thấp hơn 5% tổng giá trị đáo hạn năm 2024, tập trung vào quý 3 và quý 4.

Áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 4/2024 có giá trị đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong năm. Tính đến ngày 27/9/2024, đã có khoảng hơn 100 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn thanh toán trái phiếu với trái chủ. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn là khoảng hơn 155 nghìn tỷ đồng.

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 4/10/2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 312.067 tỷ đồng, với 15 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.054 tỷ đồng (chiếm 8,7% tổng giá trị phát hành) và 294 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 285.012 tỷ đồng (chiếm 91,3%).

Các chuyên gia cho rằng, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn ở mức cao sẽ buộc nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục tái phát hành để huy động vốn trong quý 4 năm nay. Mặt bằng lãi suất dự kiến vẫn ở mức cao, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản. Lãi suất của nhóm ngân hàng có thể tăng nhẹ khi đã chạm đáy và lãi suất huy động đã tăng trở lại.

Áp lực đáo hạn của nhóm bất động sản, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị trái phiếu đáo hạn và chậm trả trong quý 4 sẽ là một yếu tố rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt nếu thị trường bất động sản không phục hồi như kỳ vọng.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Việc này có thể dẫn đến tình trạng một phần dòng vốn đầu tư bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán, chuyển hướng sang thị trường trái phiếu để đáp ứng nhu cầu thanh toán nợ.

Huyền My (t/h)