Giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 10 tăng với tốc độ chậm nhất trong bốn tháng trong khi tình trạng giảm phát giá sản xuất ngày càng trầm trọng, ngay cả khi Bắc Kinh tăng gấp đôi biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế đang trì trệ.
Trong các biện pháp kích thích mới nhất, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã phê duyệt gói 10.000 tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD) vào ngày 8/11 để giảm bớt gánh nặng "nợ ẩn" của chính quyền địa phương, thay vì bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như một số nhà đầu tư hy vọng.
Các nhà phân tích cho rằng gói kích thích này có thể sẽ không có tác dụng thúc đẩy hoạt động kinh tế, nhu cầu và giá cả trong thời gian tới.
Một người bán rau thu tiền của khách hàng tại một khu chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 12/1/2024. (Ảnh: REUTERS/Florence Lo)
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 đã tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, chậm lại so với mức tăng 0,4% của tháng 9 và là mức thấp nhất kể từ tháng 6, cũng thấp hơn mức dự báo tăng 0,4% trong cuộc thăm dò các nhà kinh tế của Reuters.
Ông Dong Lijuan, giám đốc cục thống kê, cho biết giá thực phẩm giảm đã kéo CPI theo tháng giảm xuống.
Tuy nhiên, lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu biến động, đã tăng 0,2% vào tháng 10, tăng tốc từ mức 0,1% vào tháng 9.
Ông Bruce Pang, chuyên gia kinh tế trưởng tại JLL, cho biết: "Do kỳ nghỉ Tuần lễ vàng vào tháng 10 nên tác động của các chính sách kích thích thúc đẩy nhu cầu trong nước được ban hành từ cuối tháng 9 vẫn chưa rõ ràng".
Ông kỳ vọng CPI sẽ duy trì xu hướng tăng trong khi lạm phát cơ bản vẫn ở mức thấp, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng tiếp tục cắt giảm lãi suất vào đầu năm sau.
Trước đó, vào cuối tháng 9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố gói kích thích tiền tệ quy mô lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19 bao gồm hạ lãi suất, hạ tỷ lệ dự bắt buộc để bơm hàng tỷ USD ra thị trường...
Kế hoạch kích thích được mong đợi nhất đã được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc thông qua vào cuối tuần trước dường như không làm hài lòng các nhà đầu tư, thập chí gây nên thất vọng vì nó không đáp ứng được kỳ vọng về các bước chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy tiêu dùng và phục hồi nền kinh tế.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10/11, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lan Foan cho biết sẽ có thêm nhiều biện pháp kích thích hơn nữa, đồng thời tiết lộ rằng các chính sách thuế hỗ trợ thị trường nhà ở sẽ sớm được đưa ra và rằng chính quyền đang đẩy nhanh công tác tái cấp vốn cho các ngân hàng.
Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể muốn giữ lại một số "vũ khí kinh tế" cho đến khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1.
Với 70% tài sản của hộ gia đình Trung Quốc bị "kẹt" trong lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, vốn từng chiếm tới một phần tư nền kinh tế vào thời kỳ đỉnh cao, người tiêu dùng đang nắm giữ tiền của mình một cách chặt chẽ, khiến nền kinh tế phải chịu áp lực giảm phát.
Ngân hàng Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý trong tháng này rằng lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc có thể sẽ vẫn ở mức thấp trong năm tới là 0,8%, trong khi giá sản xuất sẽ không chuyển sang mức dương cho đến quý III/2025.
Giá sản xuất giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 10, sâu hơn mức giảm 2,8% của tháng trước và thấp hơn mức giảm dự kiến là 2,5%. Đây là mức giảm lớn nhất trong 11 tháng.
Giảm phát tại nhà máy diễn ra sâu sắc hơn trong các ngành khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, chế biến dầu mỏ và than đá, sản xuất sản phẩm hóa chất và sản xuất ô tô.
"Việc thực hiện một số chính sách kích thích ngược chu kỳ tốt hơn mong đợi có thể sẽ cải thiện xu hướng tiêu dùng và đầu tư", Zhou Maohua, một chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Ngân hàng Everbright Trung Quốc cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo ông Zhou, sự phục hồi của thị trường nhà ở trong nước, tiêu dùng hộ gia đình và sự cân bằng cung cầu sẽ cần một thời gian nữa.
Ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS ngày 10/11 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm tới do mối đe dọa về mức thuế quan cao của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc dưới thời tổng thống đắc cử Donald Trump, mặc dù các tổ chức tài chính toàn cầu khác vẫn giữ nguyên dự báo lạc quan hơn một chút.
Cụ thể, UBS cho biết họ dự kiến tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ tăng "khoảng 4%" vào năm tới, giảm so với ước tính 4,5% mà họ đưa ra vào tháng 10.
UBS cho biết thêm rằng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ "thấp hơn đáng kể" vào năm 2026.
Ông Tao Wang, Trưởng phòng kinh tế châu Á của UBS, nhận định: "TChúng tôi cho rằng chính quyền mới của ông Trump sẽ áp dụng thuế quan bổ sung đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc theo từng giai đoạn bắt đầu từ nửa cuối năm 2025, mặc dù vẫn còn nhiều bất ổn về quy mô và thời điểm áp thuế quan cũng như các chính sách khác của Mỹ".
Ông Wang nói thêm rằng dự báo GDP năm 2025 có tính đến "sự suy yếu liên tục" trên thị trường bất động sản Trung Quốc.
UBS dự kiến đồng nhân dân tệ sẽ yếu đi còn đồng USD mạnh hơn, giao dịch ở mức 7,3 nhân dân tệ đổi 1 USD trên thị trường trong nước vào cuối năm nay và 7,6 nhân dân tệ vào cuối năm 2025.
Theo Reuters, SCMP