Bán tín chỉ carbon: Không chỉ có rừng và lúa
Khởi Nghiệp

Nước ta có khoảng 14,7 triệu hecta rừng, mỗi năm hấp thụ trung bình gần 70 triệu tấn carbon. Bên cạnh rừng, ngành nông nghiệp có nhiều tiềm năng, có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, đặc biệt là trong canh tác lúa, cây ăn quả, thậm chí từ canh tác rong biển.

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (CO2e) vào bầu khí quyển.

Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Mỗi doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì cơ sở đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho đơn vị khác.

Tiềm năng lớn carbon từ rừng

Năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. 

Trong đó, thị trường carbon rừng của Việt Nam có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích lớn, không chỉ cho mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho hơn 25 triệu người dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng.

Với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu hecta, độ che phủ rừng 42%, ước tính mỗi năm rừng Việt Nam hấp thụ trung bình gần 70 triệu tấn carbon (CO2)

Với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu hecta, độ che phủ rừng 42%, ước tính mỗi năm rừng Việt Nam hấp thụ trung bình gần 70 triệu tấn carbon (CO2). Thông qua thị trường carbon, rừng có thể mang lại nguồn thu đáng kể phục vụ công tác quản lý, bảo vệ cũng như nâng cao thu nhập cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Tháng 10/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) - bên nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). 

Theo đó, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024. FCPF thanh toán cho dịch vụ này 51,5 triệu USD. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương và là quốc gia thứ 5 trên thế giới đạt được thỏa thuận quan trọng này với FCPF

Hiện, Chính phủ Việt Nam đang đàm phán với Liên minh giảm phát thải (LEAF), dự kiến trong tương lai sẽ huy động được nguồn tài chính từ Liên minh này thông qua hoạt động bảo vệ rừng ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Tháng 3/2024, Ngân hàng Thế giới (WB) chuyển khoản tiền trị giá 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng cho Việt Nam sau khi mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng. Nước ta cũng là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản tiền bán tín chỉ carbon rừng từ WB. Dự kiến con số này sẽ tăng lên đáng kể ở các năm sau, do diện tích rừng đưa vào khai thác carbon tăng và giá trị mỗi tín chỉ sẽ tăng lên.

Tín chỉ carbon từ canh tác lúa

Bên cạnh rừng, ngành Nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, đặc biệt là trong canh tác lúa. Gần đây, một số địa phương đã tiến tới áp dụng mô hình canh tác lúa giảm phát thải. Mô hình không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn tạo ra thêm tín chỉ carbon. Điển hình như Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đề án trong vụ hè thu năm 2024 tại TP. Cần Thơ đã mang lại những kết quả tích cực:

Theo đánh giá ban đầu, mô hình canh tác lúa thuộc Đề án trong vụ hè thu năm 2024 tại TP. Cần Thơ đã mang lại những kết quả tích cực: tổng chi phí đầu vào giảm 10 - 15%, trong đó lượng giống sử dụng giảm 2 - 2,5 lần, giảm 30% lượng phân bón, giảm 30 - 40% lượng nước tưới. Năng suất lúa của mô hình thí điểm đạt 6,13 - 6,51 tấn/ha so với mức 5,89 tấn/ha đối chứng.

Áp dụng quy trình chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng giúp giảm được 13 tấn CO2e/ha so với áp dụng tưới ngập liên tục kết hợp vùi rơm rạ; giảm 3 tấn CO2e/ha so với áp dụng tưới ngập liên tục kết hợp đốt rơm và giảm 6 tấn CO2e/ha so với áp dụng quy trình tưới ngập khô xen kẽ, nhưng vùi rơm. 

Lợi nhuận mô hình trồng lúa thí điểm trong Đề án đạt 21 - 25,8 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3. -6,2 triệu đồng/ha so với mô hình đối chứng.

Được biết, WB cũng cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon (1 tấn carbon bằng 1 tín chỉ carbon). Theo đó, trồng 1 triệu hecta lúa, người nông dân sẽ thu về thêm khoảng 100 triệu USD mỗi năm từ bán tín chỉ carbon.

Bên cạnh đó, không chỉ có rừng, lúa mà dừa, rong biển, điều... có thể tạo ra tín chỉ carbon.

Rong biển có thể lưu trữ 1.500 tấn khí nhà kính/km2

Việt Nam có 887 loài rong biển, trong đó có 90 loài có giá trị kinh tế. Năm 2023, diện tích trồng rong đạt khoảng 16.500 ha, với sản lượng 150.000 tấn tươi. Tốc độ phát triển của rong biển cao gấp 30-60 lần so với các loài thực vật trên đất liền, vì vậy có thể hấp thụ khí CO2 nhiều gấp 2,4 lần so với cây cối trên đất liền.

Rong biển là nguyên liệu xanh, có thể hấp thụ carbon từ khí quyển và trung hòa axít đại dương, đang được kỳ vọng trở thành giải pháp giúp làm sạch hành tinh. Rong biển có thể lưu trữ 1.500 tấn khí nhà kính/km2.