Ban hành Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia, tầm nhìn đến năm 2050
Doanh Nghiệp

Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ ưu tiên phát triển trung tâm giao dịch gỗ tại các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng 01 trung tâm giao dịch sản phẩm gỗ quốc tế...

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 895/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ban hành Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia, tầm nhìn đến năm 2050- Ảnh 1.

Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia: Xây dựng 1 trung tâm giao dịch sản phẩm gỗ quốc tế. Ảnh internet.

Cụ thể, theo Quy hoạch, đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5,0% đến 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030; giá trị tiêu thụ đồ gỗ và lâm sản trong nước đạt 5 tỷ USD (quy đổi) vào năm 2025, 6 tỷ USD (quy đổi) vào năm 2030.

Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng 1,5 lần, đến năm 2030 tăng 2 lần so với năm 2020.

Đến 2030, 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Đến năm 2050, xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật, phát huy tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng nhiệt đới; ứng dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường; tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ, giá trị gia tăng cao...

Cũng theo Quyết định 895, mục tiêu đến năm 2025, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 500.000 ha và sẽ đạt khoảng 1 triệu ha vào năm 2030.

Theo Quyết định 895, chế biến, thương mại gỗ và lâm sản được ưu tiên ngân sách nhà nước cho đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị đào tạo; ưu tiên phát triển trung tâm giao dịch gỗ tại các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng 1 trung tâm giao dịch sản phẩm gỗ quốc tế; xây dựng các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển thị trường...

Khái toán nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch là 217.305 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021-2025, khoảng 106.960 tỷ đồng (ngân sách nhà nước khoảng 27.517 tỷ đồng, chiếm 26%, các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 79.443 tỷ đồng, chiếm 74%).

Huyền My (t/h)