Bàn cách gỡ khó cho thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp
Chứng Khoán

Ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì họp với các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành. Nhiều ý kiến từ các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Về phía các doanh nghiệp tham dự có đại diện 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Bàn cách gỡ khó cho thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán vừa trải qua một thời kỳ sụt giảm mạnh, niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu, cổ phiếu xuống thấp.

Theo Bộ trưởng, để tập trung hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu nhằm mục tiêu giải quyết khó khăn và nâng cao khả năng chống chịu của doanh nghiệp.

Hiện nay, triển vọng về kinh tế Việt Nam vẫn được các định chế tài chính đánh giá rất cao, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 8%; CPI dưới 4%; bội chi ngân sách dưới 4%... Có thể thấy, kinh tế vĩ mô thời điểm này vẫn tăng trưởng tốt nhưng nếu không có biện pháp gì để thúc đẩy thị trường chứng khoán, đặc biệt là thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì sẽ rất khó khăn trong tương lai.

"Chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến của các doanh nghiệp, vì không ai hiểu về thị trường và các khó khăn vướng mắc hơn chính các doanh nghiệp đang có mặt ở đây", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đưa ra ý kiến tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các doanh nghiệp cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là cần nới room tín dụng ngân hàng, duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông. Các tổ chức phát hành phải thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết đối với các nhà đầu tư. Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần giải quyết nhanh các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm để thu hồi vốn thực hiện việc trả nợ trái phiếu đúng hạn.

Theo ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc của VNDIRECT, nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp. Hiện nay, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc, ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý II, đầu quý III/2022, các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu thì gần đây rất khó khăn.

Còn bà Trần Thị Thu Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội đưa ra nhận định: các doanh nghiệp đang bị ách tắc về việc huy động vốn trên thị trường. Bà Trang bày tỏ mong muốn làm sao có thể tăng thêm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường, tập trung vào thị trường phát hành ra công chúng. Để khuyến khích doanh nghiệp tập trung kênh này thì các cơ quan nhà nước có thể xem xét lại về quy trình thủ tục, sao cho tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích doanh nghiệp phát hành ra công chúng nhiều hơn.

Cũng tại buổi làm việc, các công ty chứng khoán cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội trái phiếu đã chỉ ra những khó khăn vướng mắc của thị trường. Trên cơ sở các ý kiến này, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và có cuộc làm việc với các bộ, ngành có liên quan để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm củng cố niềm tin của thị trường, đưa thị trường phát triển bền vững.

Nhật Hà