An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật
Địa Phương

Sáng 28/6, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang và Báo QĐND tổ chức tọa đàm nhằm phát huy vai trò QĐND tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027 năm 2024 của Bộ Quốc phòng.

Tại buổi tọa đàm, Đại tá Ngô Anh Thu - Phó Tổng biên tập Báo QĐND cho biết, Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, của các cơ quan, đơn vị. Đây là bước đầu tiên của quá trình hình thành ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. 

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 1.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, Bộ Quốc phòng đã triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng QĐND tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027" (gọi tắt là Đề án 1371) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của các cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng bài bản và đi vào nền nếp; ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân ngày càng được nâng cao.

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 2.

Xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tuyên truyền PBGDPL

Đại tá Ngô Anh Thu cho biết, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức gần 1.000 lượt đơn vị làm điểm về PBGDPL bằng hình thức sân khấu hóa trong "Ngày Pháp luật" để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn quân; tổ chức hơn 600 buổi hội thảo, tọa đàm về Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam và các nghị định, thông tư liên quan đến quân sự, quốc phòng.

Biên tập, phát hành gần 178.900 bộ (4 đĩa) các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật; 400.000 cuốn tài liệu PBGDPL; 40.000 cuốn sách "Văn bản PBGDPL và nghiệp vụ PBGDPL"; 85.500 cuốn tài liệu "Kỹ năng PBGDPL cho nhân dân"; 770.000 tờ gấp pháp luật; 220 đầu sách pháp luật cấp cho các cơ quan, đơn vị; tập huấn cho hơn 10.000 lượt báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; phát hành 170 bản tin pháp luật; tổ chức 13 lần "Ngày hội Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông"...

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 3.

Phó Tổng Biên tập Báo QĐND đánh giá, An Giang là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển KT-XH, QPAN, thời gian qua, cùng với các đơn vị Quân đội, BĐBP tỉnh An Giang đã cùng với các sở, ngành trên địa bàn quán triệt nghiêm túc và tích cực triển khai Đề án sâu rộng với nhiều cách làm sáng tạo, nội dung phong phú. 

Qua thực tiễn tiến hành, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, như: tuyên truyền, phổ biến qua mạng internet, mạng Misten trong Quân đội, cổng thông tin điện tử; giới thiệu bằng trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu; sân khấu hóa, lồng ghép với biểu diễn văn hóa - văn nghệ; "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân"; "Mỗi tuần một điều luật", "Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật", Tủ sách pháp luật... đã phát huy tác dụng ở nhiều đơn vị. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn.

Tham luận tại hội thảo về công tác tham mưu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác PBGDPL, thực hiện Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027", Thượng tá Nguyễn Di Khải, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh An Giang cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL BĐBP tỉnh, Phòng Chính trị thường xuyên tham mưu Bộ Chỉ huy kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL… 

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 4.

Đồng thời, tổ chức cán bộ tham gia các lớp tập huấn triển khai Đề án, các lớp bồi dưỡng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật do Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị; Sở Tư pháp tỉnh An Giang tổ chức.

Cạnh đó, Phòng Chính trị cũng duy trì thực hiện "Ngày pháp luật" ở cơ quan Bộ Chỉ huy và các đơn vị cơ sở, mỗi tháng 1 lần vào sáng thứ Bảy của tuần cuối tháng, với hình thức: sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm pháp luật, học tập, quán triệt, cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành... thực hiện mô hình "Mỗi tuần 1 câu hỏi, 1 đáp áp", "Mỗi tuần 1 điều luật"; tổ chức các hoạt động hướng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam... Quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của 14 tủ sách pháp luật, với hơn 2.257 đầu sách, tạp chí, văn bản quy phạm pháp luật các loại...

Phối hợp với Tỉnh đoàn An Giang tổ chức Cuộc thi viết "Tìm hiểu Truyền thống BĐBP và Luật Biên phòng Việt Nam" chào mừng 65 năm Truyền thống BĐBP (03/3/1959 - 03/3/2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989 - 03/3/2024), có 2.024 bài tham gia dự thi. 

Các Đồn Biên phòng phối hợp với đoàn địa phương, đơn vị kết nghĩa, các trường học trên trên địa bàn tổ chức 6 buổi tọa đàm pháp luật, 18 buổi chương trình "Tiết học biên cương" kết hợp lồng ghép tuyên truyền pháp luật về biên giới, các nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, hoạt động của tuổi trẻ cho 2.851 lượt người tham gia. 

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 5.

Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân trên địa bàn khi qua lại biên giới, với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu của người dân, từng đối tượng cụ thể.

Hiệu quả của "Ngày pháp luật"

Tham luận về hiệu quả của "Ngày pháp luật", Trung tá Mã Vũ Lâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hưng cho rằng, thời gian qua đơn vị phối hợp với UBND phường Nhơn Hưng và An Phú tổ chức nhiều hình thức, mô hình "Ngày pháp luật" như: Giới thiệu văn bản pháp luật; nói chuyện chuyên đề pháp luật, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật… Tổ chức các hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ có lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật. 

Đặc biệt, tuyên truyền thông qua mô hình phù hợp với đặc điểm địa phương như: Phòng đọc Biên giới, câu lạc bộ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân; mô hình mỗi tuần một câu hỏi pháp luật, mỗi tháng một Bộ luật tại Chi đoàn …

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 6.

Trung tá Mã Vũ Lâm đánh giá, "Ngày pháp luật" thật sự trở thành kênh thông tin quan trọng, hiệu quả trong việc nâng cao kiến thức pháp luật của mọi CBCS và nhân dân địa phương; góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực thi pháp luật ở khu vực biên giới và cũng chính vì thế, tỷ lệ vi phạm kỷ luật, pháp luật của CBCS và nhân dân địa phương được chuyển biến tích cực, tỷ lệ người dân vi phạm quy chế biên giới giảm đáng kể.

Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hưng cho rằng, quá trình khi triển khai thực hiện "Ngày pháp luật" cho thấy hầu hết CBCS và các tầng lớp nhân dân đều đồng tình và hưởng ứng và coi đây là một hình thức sinh hoạt bổ ích để mọi người tiếp cận, nâng cao kiến thức và hiểu biết về pháp luật phục vụ cho công tác và cuộc sống.

Tuyên truyền PBGDPL nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang cho biết, An Giang là địa bàn có đường biên giới dài khoảng 100km, tiếp giáp với 2 tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Khu vực biên giới gồm 18 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới. 

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 7.

Trong năm qua, được sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên khu vực biên giới ngày càng cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, một bộ phận đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, phải đi làm thuê kiếm sống hàng ngày, nên chưa quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu pháp luật, mặt khác trình độ nhận thức của người dân khu vực biên giới không đồng đều.

Trong những năm qua dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư lệnh, Cục Chính trị BĐBP và Hội đồng PBGDPL tỉnh An Giang, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL tại đơn vị và trên địa bàn khu vực biên giới. 

Đặc biệt là, triển khai hiệu quả Đề án tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2013-2016 và giai đoạn 2017-2021, được cấp ủy, chính quyền địa phương và cấp trên đánh giá cao.

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 8.

Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang cho rằng, trong giai đoạn (2022-2027), Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 2 Đề án: "Phát huy vai trò của lực lượng QĐND tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở" và "Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết".

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp tin rằng, Đề án "Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo" và Đề án 1371, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã luôn quan tâm phát huy hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tăng cường, PBGDPL cho CBCS thông qua các buổi giáo dục pháp luật tập trung theo chuyên đề; thực hiện "Ngày pháp luật" hàng tháng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hoạt động tủ sách pháp luật; Tổ tư vấn tâm lý, pháp luật quân nhân, mô hình "mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án"; "mỗi tuần một điều luật"; thông tin tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật trong lực lượng, toàn quân.... Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành kỷ luật, pháp luật của CBCS, cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên khu vực biên giới.

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 9.

Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh đã chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân thông qua các buổi tuyên truyền tập trung, các buổi sinh hoạt của các cơ quan, tổ chức đoàn thể. 

Tham gia các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tổ hòa giải cơ sở ở địa phương; tuyên truyền thông qua hoạt động của đội ngũ cán bộ công tác địa bàn, đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ khóm, ấp biên giới; đảng viên phụ trách hộ gia đình; qua hệ thống panô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp; mô hình "Tiếng loa biên phòng"; phối hợp các cơ quan, báo đài viết tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.... 

Qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân, đặt biệt là các văn bản pháp luật biên giới, từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm người dân cùng BĐBP tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Văn Dương