Các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 26 (AIRM26) tích cực thảo luận, trao đổi về các nội dung liên quan đến hoạt động quản lý, kinh doanh bảo hiểm tại nước mình theo chủ đề "Bền vững, toàn diện và kết nối" để đưa ra các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm bền vững và bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Sáng 7/12, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) chính thức diễn ra phiên khai mạc Hội nghị Các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 26 (AIRM26) và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 49 (AIC49). Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn tham dự và phát biểu khai mạc. Về phía tỉnh Quảng Ninh có ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và đại diện các Sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh tham dự. Dự phiên khai mạc có khoảng 200 đại biểu là đại diện Ban Thư ký ASEAN, đại diện các cơ quan quản lý bảo hiểm, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm của 10 nước thành viên ASEAN.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn vui mừng chào đón các đại biểu từ 10 nước thành viên ASEAN đến tham dự Hội nghị. Thứ trưởng nhấn mạnh, hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm là một trong những nội dung hợp tác tài chính quan trọng của các nước ASEAN. Trong nhiều năm qua, tiến trình hợp tác tài chính nói chung và bảo hiểm nói riêng trong khu vực đã đạt được những kết quả quan trọng, hướng tới một cộng đồng chung theo cam kết của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đánh giá cao đề xuất của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Việt Nam và Ban Thư ký ASEAN về việc đưa chủ đề thảo luận chuyên sâu về Quản lý đại lý nhằm phát triển bền vững thị trường bảo hiểm bên cạnh các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm bền vững đã được đề cập tại các Hội nghị AIRM trước đây liên quan đến tăng cường quản lý, giám sát, phát triển bảo hiểm bền vững, bảo hiểm vi mô. Thứ trưởng hy vọng qua Hội nghị, đại biểu các nước sẽ chia sẻ kinh nghiệm quản lý đại lý để phát triển thị trường bảo hiểm bền vững và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm hy vọng các đại biểu tham dự Hội nghị tích cực thảo luận, trao đổi về các nội dung liên quan đến hoạt động quản lý, kinh doanh bảo hiểm tại nước mình theo đúng chủ đề "Bền vững, Toàn diện và Kết nối". Cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hợp tác bền chặt với các nhà quản lý bảo hiểm trong khu vực trong thời gian tới, cùng hướng tới mục tiêu thúc đẩy, tăng cường tính bền vững, toàn diện và khả năng chống chịu của thị trường bảo hiểm ASEAN nói chung và thị trường bảo hiểm của từng nước thành viên nói riêng.
Hội nghị AIRM và AIC là điểm nổi bật trong hợp tác bảo hiểm ASEAN giữa các cơ quan quản lý bảo hiểm và khối doanh nghiệp bảo hiểm. Đây là diễn đàn quan trọng nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về hợp tác bảo hiểm ASEAN. Thông qua cơ chế đối thoại, cơ quan quản lý có cơ hội tham vấn ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp bảo hiểm để có những quyết sách phù hợp. Các doanh nghiệp bảo hiểm có cơ hội tiếp cận, trao đổi và đề xuất đối với những vướng mắc trong quá trình hoạt động của mình.
Ngay sau lễ khai mạc đã diễn ra các phiên họp của AIRM và AIC. Tại các cuộc họp, lãnh đạo các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN đã tập trung thảo luận các vấn đề chính.
Hội nghị AIRM trao đổi về Chương trình tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (ADRFI); Hoạt động của Hội đồng phân loại bền vững ASEAN (ATB) trong Chương trình nghị sự về phát triển bền vững; Kế hoạch triển khai Khung Kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Các cơ quan quản lý bảo hiểm của 10 nước thành viên ASEAN trao đổi, cập nhật thông tin về hợp tác bảo hiểm ASEAN, bao gồm: Báo cáo kết quả tự đánh giá mức độ tuân thủ của các thành viên đối với bộ Nguyên tắc cơ bản về bảo hiểm của Hiệp hội cơ quan quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS); Báo cáo Giám sát bảo hiểm ASEAN (AISR) 2023; Hoạt động Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm ASEAN; Chia sẻ thông tin cập nhật về phát triển của từng nước trong lĩnh vực giám sát bảo hiểm ASEAN; Tiến độ và hợp tác giữa các nước ASEAN có chung đường biên giới và có xe quá cảnh, thực hiện các Nghị định thư trong Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT).
Tại Hội nghị AIC49, đại diện AIC trình bày kết quả hoạt động, bao gồm kết quả cuộc họp Nhóm công tác của Ủy ban giáo dục bảo hiểm ASEAN (AIEC); cuộc họp Nhóm công tác Hội đồng các cơ quan quốc gia ASEAN về việc thực hiện Nghị định thư số 5 (COB); cuộc họp nhóm nghiên cứu về thảm họa thiên nhiên ASEAN (ANDREWS); bầu chọn giải thưởng Lãnh đạo điều hành trẻ ngành bảo hiểm ASEAN (YAMA) và một số nhóm công tác khác. Các thành viên AIC cùng nhau trao đổi về cơ chế hợp tác phát triển cùng có lợi và các vấn đề quan tâm chung. Các chuyên gia quốc tế là khách mời đã trình bày một số vấn đề về lĩnh vực bảo hiểm mà các nước thành viên quan tâm.
Trên cơ sở các nội dung của Hội nghị, Phiên họp toàn thể giữa khối cơ quan quản lý bảo hiểm và khối doanh nghiệp bảo hiểm sẽ diễn ra vào ngày 8/12. Tại phiên họp này Chủ tịch AIRM và Chủ tịch AIC sẽ thông báo kết quả của Hội nghị AIRM 26 và Hội nghị AIC 49. Cơ quan quản lý bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ cùng nhau trao đổi về định hướng phát triển ngành bảo hiểm của mỗi nước và khu vực ASEAN. Kết quả, nội dung hợp tác sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN để tổng hợp, đánh giá.
Nhật Hà