9 tháng, xuất khẩu hoa hồi Việt Nam đạt gần 47 triệu USD
Xuất Nhập Khẩu

Theo Hiệp hội gia vị thế giới, Việt Nam có loại cây gia vị quý báu, với sản lượng hàng năm thuộc top đầu thế giới, đó chính là cây hồi. Trong 9 tháng năm 2024, nước ta đã xuất khẩu 9.822 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 47 triệu USD.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam trong tháng 9 đạt 704 tấn với trị giá 3,2 triệu USD. 

Ấn Độ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hoa hồi lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Công Thương

Lũy kế trong 9 tháng năm 2024, nước ta đã xuất khẩu 9.822 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 47 triệu USD, giảm 9,5% về lượng và kim ngạch giảm 20.6%. 

Trong số các thị trường xuất khẩu, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam đạt 6.264 tấn, tiếp theo lần lượt là các thị trường Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc.

Các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu bao gồm Prosi Thăng Long, Tuấn Minh, Senspice Việt Nam, Hồng Sơn Việt Nam và AC Việt Nam.

Theo Hiệp hội gia vị thế giới, Việt Nam có loại cây gia vị quý báu, với sản lượng hàng năm thuộc top đầu thế giới, đó chính là cây hồi. Sở dĩ cây hồi được coi như "báu vật" vì đây là loài cây bản địa mà rất ít quốc gia trên thế giới có thể trồng được. Thực tế, hầu như cây hồi chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc.

Tại Việt Nam, Lạng Sơn hiện là nơi trồng nhiều hồi nhất tại Việt Nam khi có hơn 43.370 ha rừng hồi, chiếm khoảng 70% diện tích hồi cả nước, trong đó hơn 28.000 ha hồi đang cho thu hoạch ổn định, sản lượng hoa hồi khô đạt từ 7.500 đến 16.000 tấn/năm.

Nước ta là một trong những quốc gia mạnh về xuất khẩu gia vị với vị trí đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam còn nhiều dư địa cho phát triển các sản phẩm gia vị. Ngành hàng này đặt mục tiêu xuất khẩu lên con số 2 tỷ USD vào năm 2025.

Năm 2024, dự báo thời tiết còn diễn biến phức tạp, với hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng. Do đó, sản lượng quế, hồi… sẽ chịu ảnh hưởng, nhất là tại các khu vực bị tác động bởi biến đổi khí hậu.

Về mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, năm 2024 đánh dấu 52 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2024) và 8 năm nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện.

Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành 1 trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này. Đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 17 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ.

Hai nước hiện đang nỗ lực không ngừng để đưa kim ngạch thương mại song phương hướng tới mục tiêu 20 tỷ USD.

An Mai (t/h)