7 tháng năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 9,361 tỷ USD. Ở chiều ngược lại giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,5 tỷ USD, qua đó xuất siêu của toàn ngành ước đạt 7,86 tỷ USD.
Tại “Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý 3/2024” được tổ chức bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Dương và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) cho biết: Trong 7 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỉ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: sản phẩm gỗ đạt 5,967 tỷ USD, tăng 22,2%; gỗ đạt 2,785 tỷ USD, tăng 20,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 609 triệu USD, tăng 4,6%.
Ảnh minh hoạ, internet
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng năm 2024 ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2023. Như vậy, với kết quả trên, xuất siêu của toàn ngành sau 7 tháng ước đạt 7,86 tỷ USD.
Trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ tăng 24%, đạt 5,019 tỉ USD; Trung Quốc: Tăng 37,92%, đạt 1,22 tỉ USD; châu Âu (EU): Tăng 22,44%, đạt 555 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc lại giảm (Nhật Bản giảm 2,73%, Hàn Quốc giảm 1%).
Tuy nhiên, sản xuất gỗ trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nguyên liệu gỗ hợp pháp hay cam kết giảm phát thải.
Về vấn đề bảo hộ thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Đỗ Xuân Lập kiến nghị các bộ, ngành cần có những giải pháp đồng bộ như tăng cường cung cấp thông tin về chính sách, dự báo, cảnh báo về phòng vệ thương mại và hỗ trợ xúc tiến để hỗ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, doanh nghiệp cần có những hành động cụ thể và lâu dài, bao gồm đầu tư vào công nghệ xanh và tuân thủ pháp luật về môi trường.
Tại hội nghị, ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết nhu cầu thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới khoảng 230 tỷ USD/năm. Trong khi, hiện nay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chỉ chiếm trên 6% nhu cầu toàn cầu, nên các doanh nghiệp còn nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Nhất là dịp cuối năm, các đơn hàng tăng mạnh khi thị trường nhà cửa, bước vào giai đoạn hoàn thiện và sửa sang, thay đổi nội thất để đón chào năm mới.
Huyền My (t/h)