Theo số liệu từ Bộ Tài chính, thu thuế thu nhập cá nhân lũy kế 7 tháng đầu năm ước khoảng 114.687 tỷ đồng, đạt 72% dự toán và tăng 15% so cùng kỳ năm trước.
Đóng góp lớn cho mức tăng thuế thu nhập cá nhân, theo Bộ Tài chính, nhờ thuế thu từ chuyển nhượng bất động sản và chứng khoán, lần lượt tăng 65% và 32%.
Năm ngoái, thuế thu được từ chuyển nhượng địa ốc lần đầu lao dốc sau nhiều năm, giảm 46%, xuống còn 18.600 tỷ đồng, do tình hình thị trường khó khăn. So với nền thấp của năm ngoái, nguồn thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch chuyển nhượng có sự phục hồi.
Từ số liệu của Bộ Tài chính có thể thấy, từ năm 2020 đến nay, số thu thuế thu nhập cá nhân liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước, duy nhất chỉ năm 2023 giảm là do kinh tế trong nước bị ảnh hưởng do dịch bệnh và tác động của kinh tế thế giới.
Thuế thu nhập cá nhân là một trong 14 khoản thu, sắc thuế đạt tiến độ trên 65% kế hoạch cả năm. Một số khoản thu theo Tổng cục thuế đạt tiến độ khá như xổ số kiến thiết đạt 32.700 tỷ đồng; thu từ vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế khoảng 17.700 tỷ đồng.
Hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng, những quy định hiện hành về thuế thu nhập cá nhân còn khiến nhiều người băn khoăn khi mức lương cơ sở vừa mới tăng 30% từ ngày 01/7, mức nộp thuế cũng theo đó tăng lên.
Theo quy định hiện hành, mức khởi điểm của đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ này được áp dụng từ năm 2020, trong khi từ đó đến nay, nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng rất nhanh, thậm chí có mặt hàng còn tăng nhanh hơn thu nhập của người lao động.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thời điểm ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung năm 2012, CPI có biến động mạnh từ năm 2008 - 2013, có năm tăng trên 20%. Từ năm 2014 đến nay, mục tiêu ổn định vĩ mô luôn được ưu tiên trong điều hành của Chính phủ, nên CPI hàng năm tăng dưới 4,5%.
Không ít ý kiến cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Luật Thuế thu nhập cá nhân ngày càng bộc lộ nhiều điểm bất cập, trong đó, mức giảm trừ gia cảnh và quy định về điều chỉnh giảm trừ gia cảnh khi CPI tăng trên 20% không còn phù hợp với mức sống tăng cao, giá thuê nhà, giá nhà ở, viện phí, học phí và nhiều khoản chi đều tăng mạnh trong thời gian qua. Nếu giữ mức giảm trừ gia cảnh như vậy, người lao động đến mức chịu thuế sẽ không còn tích lũy để dự phòng rủi ro và mua nhà ở.
Mặt khác, trong lúc nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc kích cầu tiêu dùng đang là một trọng điểm trong chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên cần sửa đổi thay vì chờ đợi đúng lộ trình.
An Mai (t/h)