Trong 12 tháng tính đến ngày 31/8/2023, hơn 17 triệu sản phẩm từ Việt Nam được bán ra trên Amazon.
Đó là thông tin do ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling chia sẻ tại diễn đàn thương mại điện tử xuyên biên giới mới đây.
Ông Toàn cũng cho biết, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên sàn thương mại điện tử này cũng tăng 50%.
Theo báo cáo của AccessPartnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) của Việt Nam dự kiến đạt 296.300 tỷ đồng vào năm 2027.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên sàn thương mại điện tử này tăng 300% trong 5 năm. Đây là con số "đáng kinh ngạc" cho thấy tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới. Từ năm 2019 - 2023, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD mỗi năm trên Amazon cũng tăng gấp 10 lần.
Amazon Global Selling cho biết, trên toàn cầu, sản phẩm từ các đối tác bán hàng bên thứ ba, trong đó có Việt Nam, chiếm 60% tổng số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon. 5 ngành hàng Việt bán chạy nhất trên Amazon gồm: Vật dụng nhà cửa; nhà bếp; sức khỏe và chăm sóc cá nhân; may mặc; và làm đẹp. Amazon Global Selling đánh giá danh mục này phản ánh kinh nghiệm sản xuất lâu năm và các mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam như nội thất, trang trí nhà cửa và may mặc.
Amazon Global Selling dự báo, từ năm 2021 - 2026, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới hàng năm tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tăng khoảng 20%. Riêng giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng loại hình này gấp 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường.
Tại Việt Nam, 4 trang thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop. Ngoài ra, còn có rất nhiều trang thương mại điện tử khác có tiềm năng cạnh tranh như Sendo, Thế giới Di động…
Mặc dù ngành TMĐT còn rộng cửa tại Việt Nam nhưng để phát triển mạnh thì cũng còn không ít khó khăn, thách thức như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân, hạ tầng logistics TMĐT còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường, niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến...
Để TMĐT phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm phát triển lành mạnh thị trường.
Tiêu biểu phải kể đến việc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT & KTS - Bộ Công Thương) triển khai các giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ, mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các sàn TMĐT nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới...
Đại diện Amazon cũng khuyến nghị doanh nghiệp nghiên cứu để bán những sản phẩm mà khách hàng cần, không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa và xây dựng thương hiệu ngay từ đầu để có nền tảng kinh doanh lâu dài.
Minh An (t/h)